Thị trường nhóm nông sản 5/2: Lúa mì, ngô và đậu tương đồng loạt tăng |
Lúa mì tương lai trên CBOT tiếp tục xu hướng đi lên, với hợp đồng lúa mì đỏ mềm vụ đông tháng 3 (WH25) chốt phiên tăng 10,25 cent, đạt 5,77 USD/giạ. Hợp đồng lúa mì đỏ cứng vụ đông tháng 3 (KWH25) nhích thêm 9 cent lên 5,9475 USD/giạ, trong khi lúa mì xuân Minneapolis (MWEH25) giữ nguyên ở mức 6,1605 USD/giạ.
Đà tăng của lúa mì được hỗ trợ bởi đồng USD yếu, khiến nông sản Mỹ hấp dẫn hơn trên thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, thông tin Mỹ tạm dừng áp thuế đối với Mexico, một trong những khách hàng lớn của lúa mì Mỹ cũng tạo tâm lý tích cực. Tuy nhiên, xuất khẩu lúa mì vẫn chịu áp lực do nhu cầu chậm lại, trong khi điều kiện canh tác tại Kansas, bang sản xuất lúa mì vụ đông lớn nhất nước này, đang cải thiện.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy chất lượng cây trồng tại Kansas được cải thiện trong tháng 1, nhưng suy giảm tại Oklahoma, Colorado và Nebraska do độ ẩm đất giảm.
Đậu tương cũng ghi nhận phiên tăng mạnh, với hợp đồng tháng 3 (SH25) tăng 16,75 cent lên 10,75 USD/giạ, đây là mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Hợp đồng bột đậu tương tháng 3 (SMH25) tăng 10,30 USD lên 314 USD/tấn ngắn, trong khi dầu đậu tương (BOH25) giảm nhẹ 0,75 cent xuống 45,76 cent/pound.
Giá đậu tương được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan trên thị trường sau khi căng thẳng thương mại có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới hiện chưa áp thuế đối với mặt hàng này từ Mỹ, và triển vọng một thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đà tăng của đậu tương bị hạn chế do dầu đậu tương suy yếu. Việc Mỹ hoãn áp thuế với Canada khiến dầu hạt cải nhập khẩu từ Canada tiếp tục cạnh tranh gay gắt với dầu đậu tương. Cùng lúc, thời tiết tại Argentina được cải thiện, giúp giảm bớt lo ngại về sản lượng vụ mới. Trong khi đó, Công ty tư vấn Celeres dự báo sản lượng đậu tương Brazil niên vụ 2024/25 có thể đạt mức kỷ lục 174 triệu tấn, tăng so với ước tính trước đó là 170,8 triệu tấn.
Trên thị trường ngô, hợp đồng tháng 3 (CH25) tăng 5,75 cent lên 4,9405 USD/giạ, nhờ kỳ vọng tích cực từ chính sách thương mại. Việc Mỹ tạm thời hoãn áp thuế đối với Mexico, nước nhập khẩu ngô lớn nhất từ Mỹ đã hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận thương mại, giúp xoa dịu lo ngại về thuế quan đối với hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, Canada và Mexico.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng xác nhận một thương vụ bán 132.000 tấn ngô Mỹ cho Hàn Quốc, dự kiến giao trong niên vụ 2024-25 từ ngày 1/9/2024. Tuy nhiên, triển vọng ngô toàn cầu vẫn chịu tác động từ điều kiện thời tiết. Mưa lớn tại Argentina đang giúp giảm bớt lo ngại về hạn hán kéo dài, góp phần cải thiện triển vọng sản lượng ngô và đậu tương của quốc gia này.