![]() |
Thị trường nhóm nông sản 12/2: Lúa mì, ngô và đậu tương đồng loạt giảm |
Giá lúa mì tương lai tại CBOT đóng cửa giảm do các nhà giao dịch chuyển sự chú ý đến điều kiện thời tiết ở các khu vực sản xuất quan trọng. Hợp đồng lúa mì mùa đông đỏ mềm tháng 3 (WH25) giảm 2,5 cent, xuống 5,77 USD/giạ. Lúa mì cứng đỏ mùa đông Kansas City (KWH25) mất 4 cent, còn 5,9275 USD/giạ, trong khi lúa mì xuân Minneapolis (MWEH25) giảm 7 cent, còn 6,1825 USD/giạ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm ước tính lượng dự trữ lúa mì toàn cầu cuối kỳ xuống còn 257,56 triệu giạ, thấp hơn so với mức 258,82 triệu giạ trong báo cáo tháng 1. Tuy nhiên, lớp tuyết phủ dày tại vùng Đồng bằng Mỹ và khu vực Biển Đen đã giúp giảm bớt lo ngại về nguy cơ thiệt hại do băng giá đối với mùa vụ lúa mì.
Bên cạnh đó, thị trường lúa mì vẫn nhận được sự hỗ trợ từ giá cả tăng và tốc độ giao hàng chậm lại tại Nga, nơi chính phủ đã áp dụng hạn ngạch xuất khẩu từ ngày 15/2 đến 30/6. Công ty tư vấn IKAR cũng hạ dự báo xuất khẩu lúa mì của Nga do lượng tồn kho thấp hơn dự kiến.
Giá ngô trên Sàn giao dịch Chicago giảm sau khi báo cáo của USDA cho thấy lượng dự trữ cuối kỳ của Mỹ không có sự thay đổi so với tháng trước, giữ ở mức 1,54 tỷ giạ, gây thất vọng cho thị trường vì nhiều nhà đầu tư kỳ vọng một đợt cắt giảm trong ước tính này. Hợp đồng ngô tháng 3 (CH25) mất 7,5 cent, xuống 4,84 USD/giạ.
Trong báo cáo tháng này, USDA cũng điều chỉnh giảm dự báo sản lượng ngô của Argentina xuống 50 triệu tấn, thấp hơn mức 51 triệu tấn trong tháng trước, do tình trạng khô hạn kéo dài. Các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết tại Argentina, quốc gia xuất khẩu dầu và bột đậu nành lớn nhất thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu ngô lớn thứ ba toàn cầu vì quốc gia này đang cạnh tranh trực tiếp với Mỹ để giành thị phần trên thị trường xuất khẩu.
Sản lượng ngô đang trở thành mối quan tâm lớn hơn khi lượng tồn kho toàn cầu dự kiến giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ do nhu cầu tiêu thụ cao và sản lượng thu hoạch của Mỹ trong niên vụ 2024-25 thấp hơn kỳ vọng.
Tương tự, giá đậu tương cũng giảm do USDA đánh giá nguồn cung nội địa Mỹ cao hơn dự báo, trong khi cắt giảm triển vọng sản lượng tại Nam Mỹ. Hợp đồng đậu tương tháng 3 (SH25) mất 6 cent, xuống còn 10,4305 USD/giạ. Giá bột đậu tương tháng 3 (SMH25) giảm 3,90 USD, còn 296,60 USD/tấn ngắn, trong khi dầu đậu tương (BOH25) nhích nhẹ 0,4 cent lên 46,13 cent/pound.
USDA giữ nguyên ước tính lượng dự trữ đậu tương cuối kỳ của Mỹ ở mức 380 triệu giạ, không thay đổi so với tháng trước. Đồng thời, cơ quan này dự báo sản lượng đậu tương của Argentina sẽ giảm do thời tiết khô nóng tiếp tục ảnh hưởng đến mùa màng.
Tại Brazil, công ty tư vấn AgRural cho biết tiến độ thu hoạch đậu tương của nước này trong vụ 2024-25 mới đạt 15% tính đến ngày 6/2, chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng làm trì hoãn tiến độ trồng vụ ngô thứ hai, một yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguồn cung ngô trong thời gian tới.
Các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp tại Brazil đang đưa ra những dự báo trái chiều về quy mô vụ mùa đậu tương 2024/25. Trong khi AgResource nâng dự báo sản lượng sau chuyến khảo sát thực địa, công ty Patria AgroNegocios lại tiếp tục cắt giảm ước tính trong tháng thứ hai liên tiếp.