![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 2/4: |
Giá cà phê tương lai trên sàn ICE đảo chiều tăng vào thứ Ba sau khi giảm xuống mức thấp nhất hai tháng, do thị trường lo ngại rằng giá cao kỷ lục có thể kìm hãm nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, hợp đồng cà phê Arabica (KC1!) tăng 9,3 cent, tương đương 2,4%, lên mức 3,8905 USD/pound, sau khi chạm đáy 3,7225 USD trước đó trong phiên.
Nhà môi giới và cố vấn Michael J. Nugent nhận định, thị trường hiện tập trung vào phản ứng của người tiêu dùng đối với giá cà phê tăng cao, đặc biệt khi các nhà rang xay đã sử dụng gần hết lượng hàng tồn kho giá rẻ trước đó. Đồng thời, triển vọng vụ thu hoạch sắp tới tại Brazil tiếp tục gây lo ngại khi cả hợp tác xã Coxupe và công ty môi giới Marex đều dự báo sản lượng năm nay sẽ không vượt quá mức thấp của năm ngoái.
Bên cạnh đó, thị trường cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến chính sách thuế quan của chính quyền Trump, do lo ngại rằng các mức thuế sắp tới có thể làm giá cà phê tiếp tục leo thang. Cùng với Arabica, giá cà phê Robusta (RC2!) cũng tăng 2,1%, lên mức 5.406 USD/tấn.
Giá ca cao London (C2!) tiếp tục tăng 90 bảng, tương đương 1,5%, lên 6.264 bảng/tấn, sau khi giảm 1,1% trong phiên đầu tuần. Lo ngại về sản lượng vụ giữa tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới đang là yếu tố hỗ trợ giá, mặc dù báo cáo cho thấy lượng ca cao cập cảng tại nước này vẫn cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại New York, giá ca cao (CC1!) cũng ghi nhận mức tăng mạnh 3,5%, lên 8.177 USD/tấn, phản ánh xu hướng chung của thị trường hàng hóa nông sản trong bối cảnh nhiều bất ổn về nguồn cung.
Trên thị trường đường, giá đường thô (SB1!) phục hồi mạnh mẽ, tăng 0,49 cent, tương đương 2,6%, lên mức 19,35 cent/pound, sau khi chạm mức thấp nhất gần ba tuần là 18,72 cent vào thứ Hai. Nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng là tình trạng thời tiết khô hạn hơn tại Brazil, quốc gia sản xuất mía đường hàng đầu có thể tác động tiêu cực đến năng suất cây trồng và làm giảm nguồn cung trong vụ tới.
Trong khi đó, dữ liệu từ ngành cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại trong niên vụ 2024-25, các nhà máy tại Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới đã sản xuất được 24,8 triệu tấn. Diễn biến này tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường khi Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong cán cân cung – cầu đường toàn cầu. Giá đường trắng (SF1!) theo đó cũng tăng 2,1%, lên 545,90 USD/tấn.