![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 11/4: Cà phê giảm sâu, ca cao đối mặt nguy cơ tăng giá |
Ngày 12/4, giá cà phê tại Việt Nam, quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê robusta tiếp tục đi ngang sau khi chính quyền Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng với phần lớn quốc gia. Cụ thể, nông dân khu vực Tây Nguyên chào bán cà phê (COFVN-DAK) quanh mức 117.300 - 119.000 đồng/kg (tương đương 4,55 - 4,62 USD), không đổi so với phiên liền trước, nhưng đã phục hồi nhẹ so với đầu tuần.
Mặc dù vậy, mức giá hiện tại vẫn thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 132.500 - 133.600 đồng/kg ghi nhận hồi tuần trước. Một số thương nhân tại vùng nguyên liệu cho biết giao dịch gần như ngưng trệ, thị trường “đóng băng” do tâm lý e dè từ cả bên mua lẫn bán. Dù vậy, kỳ vọng hoạt động giao dịch sẽ khởi sắc trở lại trong vài ngày tới, dù còn nhiều ẩn số phía trước.
Theo chia sẻ từ một nhà xuất khẩu lớn, Mỹ hiện chỉ chiếm 5% - 6% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Tuy không phải thị trường chủ lực, nhưng vai trò của Mỹ trong việc định hình xu hướng giá vẫn rất đáng chú ý. Thách thức đặt ra hiện nay là giữ được thị phần tại các thị trường đã có sẵn, giữa lúc cạnh tranh toàn cầu gia tăng.
Trên sàn giao dịch ICE London, hợp đồng cà phê robusta tháng 7 (RC2!) chốt phiên gần nhất ở mức 4.972 USD/tấn, giảm mạnh so với mốc 5.400 USD/tấn của tuần trước. Trước khi quyết định tạm hoãn áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump được công bố, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam ghi nhận tâm lý thận trọng từ cả doanh nghiệp lẫn nông dân, họ đã có sự chuẩn bị từ trước và không phản ứng quá tiêu cực.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy Việt Nam xuất khẩu 493.000 tấn cà phê trong quý I năm nay, giảm 15,8% so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, Indonesia ghi nhận xuất khẩu cà phê robusta Sumatra đạt 29.852 tấn trong tháng 2, gấp gần 10 lần so với mức 3.341,81 tấn cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ cơ quan thương mại địa phương.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp Bờ Biển Ngà, quốc gia xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới cảnh báo nước này có thể sẽ tăng giá ca cao nếu mức thuế 21% mà Mỹ dự định áp dụng không bị hủy bỏ sau thời gian tạm hoãn 90 ngày.
Ông Kobenan Kouassi Adjoumani, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp nước này, cho biết việc tăng thuế từ phía Mỹ sẽ buộc Bờ Biển Ngà phải áp dụng các biện pháp đối phó, trong đó có khả năng nâng giá sản phẩm nhằm bù đắp thiệt hại từ thuế. Tuy nhiên, ông Kouassi không nói rõ biện pháp cụ thể sẽ là gì, trong bối cảnh giá ca cao vẫn đang được quyết định bởi cung cầu trên thị trường toàn cầu.
Một trong những biện pháp có thể xảy ra là tăng thuế xuất khẩu, động thái này có thể khiến giá ca cao nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng cuối cùng. “Nếu Mỹ tiếp tục áp thuế, chúng tôi buộc phải tăng giá ca cao, và hậu quả cuối cùng sẽ rơi vào tay người tiêu dùng”, ông Kouassi nói.
Theo số liệu từ Hội đồng Cà phê và Ca cao (CCC), mỗi năm Bờ Biển Ngà xuất khẩu từ 200.000 - 300.000 tấn ca cao sang Mỹ. Trước nguy cơ mất thị trường, nước này đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu như một đối trọng tiềm năng.