Ảnh minh họa
Sôi động những dự án thu hút vốn ngoại
Gần đây, lĩnh vực năng lượng mặt trời ở Việt Nam liên tục thu hút các nhà đầu tư Thái Lan. Đầu năm 2020, Hội đồng quản trị Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) của Thái Lan công bố việc cuối tháng 3/2020 đã gửi thư tới Ủy ban Chứng khoán Thái Lan thông báo về quyết định sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam). Cả 4 dự án nêu trên đều được ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào tháng 3/2019.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến hai nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Khi đó Gulf sở hữu 49% vốn nhưng trong lần thay đổi gần nhất vào tháng 1/2019, Gulf đã mua thêm 41% cổ phần, tăng mức nắm giữ lên 90%. Ngoài các dự án điện mặt trời tại Tây Ninh, tập đoàn Thái Lan này còn nắm trong tay các dự án điện gió tại Bến Tre với tỷ lệ sở hữu 95%.
Dự án Điện mặt trời Hòa Hội (Phú Yên) trước đây do Tập đoàn Trường thành Việt Nam làm chủ đầu tư, sau đó Tập đoàn này liên danh với Tập đoàn Thái Lan B.Grimm và bán lại 80% cổ phần dự án với giá 32,5 triệu USD.
Trong khi đó, AC Energy thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) đã thành lập Liên doanh BIM/AC Renewable để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận…
Tại Huế cũng sắp có nhà máy điện LNG với tổng công suất thiết kế 4.000MW, trị giá 6 tỷ USD dự kiến được đặt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Nhà máy điện này do Công ty cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển. Đây là dự án điện độc lập (IPP), tức không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực. Dự án có vốn sở hữu 60% của Mỹ và 40% của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, dự tính hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 - 25 tỷ kWh.
Tháng 10 vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về đầu tư năng lượng lên đến hàng chục tỷ USD, như dự án điện LNG Bạc Liêu với công suất 3.200MW, có tổng mức đầu tư lên đến 50 tỷ USD trong vòng 25 năm và dự kiến lượng nhập khẩu lên đến 3 triệu tấn LNG mỗi năm; dự án điện LNG Long An với công suất 3.000MW, có tầm quan trọng chiến lược vì sẽ đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành.
Có được nhờ giá tốt
Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã trở nên sôi động từ cuối năm 2018 tới nay. Lý do là, giá mua điện của các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 30/6/2019 theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg tương đương 9,35 US cent/kWh, cao hơn tương đối so với giá bán lẻ điện đến các hộ tiêu thụ hiện ở mức bình quân 8 UScent/kWh.
Đánh giá của giới chuyên môn được Công ty Chứng khoán Rồng Việt tổng hợp cũng cho thấy, với sự tiến bộ của công nghệ, chi phí đầu tư sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng giảm, góp phần thúc đẩy xu hướng đầu tư cho mảng năng lượng tái tạo này. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, chi phí sản xuất điện mặt trời có thể đạt trung bình 3,9 US cent/kWh đối với những dự án được vận hành từ năm 2021, giảm 42% so với năm 2019.
Như vậy, ngay cả với mức giá mua điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 US cent/kWh, hay nổi trên hồ là 7,69 US cent/kWh theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, thì dù đã thấp đi đáng kể so với tại Quyết định 11/QĐ-TTg, nhưng vẫn được cho là sinh lợi tốt so với chi phí đầu tư ban đầu.
Ngoài ra, cơ chế mua điện theo giá cố định (FiT) hiện tại ở Việt Nam được cho là tốt hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, khi áp dụng cơ chế đấu giá cạnh tranh với giá bán điện mặt trời 4,5 - 6,0 US cents/kWh ở Trung Quốc, 4,2 - 5,7 US cents/kWh ở Malaysia...
Chính bởi vậy, đã có sự đổ xô vào đầu tư dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo công bố của Bộ trưởng Bộ Công thương trên diễn dàn Quốc hội, tính đến ngày 30/6/2019 (thời điểm cơ chế giá điện của Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực), cả nước có gần 4.900 MW điện mặt trời được hoàn tất và đưa vào vận hành, đóng góp một nguồn rất lớn cho việc bổ sung nguồn điện trong năm 2019. Ngoài ra, có gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất tới 28.300 MW chờ để được đưa vào quy hoạch.
Sức hút về lợi nhuận của các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã khiến nhiều dự án điện mặt trời từ chỗ ban đầu chỉ có cổ đông trong nước, nhưng sau khi được bổ sung quy hoạch hoặc đi vào vận hành, đã nhanh chóng được sang tay nhà đầu tư nước ngoài.
Còn đó khó khăn
Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế khiến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành năng lượng ở Việt Nam chưa tăng mạnh như kỳ vọng. Covid-19 là một điển hình. Nhiều giao dịch M&A đang đàm phán đã bị đình trệ hoặc bị hủy bỏ vì đại dịch, buộc các chủ đầu tư Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược của mình.
Rủi ro thay đổi chính sách cũng là một vấn đề lớn, bên cạnh những rủi ro khác như khó tiếp cận vốn, khó ký được hợp đồng mua bán điện với EVN, thiếu tài liệu bắt buộc và thẩm định về các khía cạnh E&S (môi trường và xã hội), cũng như thiếu các quy trình M&A được chuẩn hóa. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do để tin rằng, M&A trong lĩnh vực năng lượng mặt trời sẽ bùng nổ trong tương lai.
Cùng với việc đầu tư sôi động vào loại hình dự án năng lượng nói ở trên, gần đây các nhà đầu tư cũng kiến nghị Bộ Công thương yêu cầu EVN ký hợp đồng cam kết mua điện (PPA) ở mức tối đa với giá cố định nhằm tránh rủi ro, đồng thời, giúp các chủ đầu tư huy động vốn khi các bảo lãnh vay vốn của Chính phủ không còn. “Nếu như các chính sách về hợp đồng mẫu PPA không được ra sớm hoặc ít nhất là quan điểm chủ trương của các hợp đồng IPP không được làm rõ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án trong giai đoạn tới”, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, đại diện tư vấn cho dự án nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu kiến nghị.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ bắt đầu thu hút được nhiều lợi nhuận trong những năm tới, khi các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá cả các khía cạnh khác thay vì chỉ tập trung vào các mối quan tâm về hợp đồng mua bán điện (PPA).
Bảo Trinh