Thêm 100 triệu USD tài trợ cho thương mại xanh

16:48 19/01/2024

Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh (BII) cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á vừa công bố thỏa thuận hợp tác 100 triệu USD cho Chương trình Tài trợ Thương mại và Chuỗi Cung ứng của ADB.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Gói này tập trung hỗ trợ vốn cho các giao dịch phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Đối tượng nhắm đến là các nhà nhập khẩu pin mặt trời, tua-bin gió, xe điện và nông sản ở châu Á.

Hai tổ chức cho biết thỏa thuận sẽ giúp các ngân hàng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho các ngân hàng trong nước, bước đầu thực hiện tại Việt Nam trước khi mở rộng tới các quốc gia khác trong khuôn khổ hỗ trợ của BII và ADB.

Theo BII, thương mại đóng một phần quan trọng trong việc thúc đẩy dòng hàng hóa giúp các quốc gia trong khu vực giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chênh lệch giữa nhu cầu và nguồn tài trợ toàn cầu ước khoảng 2.500 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài ra, các ngân hàng địa phương hiện không thể đáp ứng đủ nhu cầu vay với kỳ hạn đủ dài để chi trả hàng hóa cho các dự án về biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. "Tài trợ thương mại xanh sẽ thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng của ngành năng lượng tái tạo và giải quyết các nút thắt trong nhiều vấn đề", ông Srini Nagarajan, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc châu Á BII, nói.

"Nghiên cứu chỉ số Net Zero 2023" do PwC mới công bố cho biết châu Á - Thái Bình Dương đã giảm cường độ phát thải carbon xuống 2,8% vào năm 2022, gấp đôi tỷ lệ 1,2% của năm 2021 và cao hơn so với tỉ lệ toàn cầu là 2,5%.

Nhưng chỉ có 5 nền kinh tế gồm Việt Nam, New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore vượt qua ngưỡng giảm phát thải carbon tự đề ra (NDC). Trong đó, Việt Nam đóng góp 0,9% vào tổng phát thải CO2 toàn cầu và giảm được 6,5% so với NDC là 2,5% đến 2030.

Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Dự án Vốn và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam, đánh giá các mục tiêu NDC được Việt Nam cập nhật năm 2022 đã cho thấy những bước tiến đáng kể trong việc ưu tiên sự phát triển bền vững.

"Mặc dù các nội dung NDC dường như đã phù hợp với tham vọng Net Zero của Việt Nam vào năm 2050, vẫn cần nhiều hành động thiết thực hơn nữa để tăng tốc đến một tương lai đạt phát thải ròng bằng không", ông nhận định.

Sự thay đổi này đòi hỏi hợp tác hành động từ cả chính phủ, thông qua các chính sách mạnh mẽ và hướng dẫn chi tiết, bao gồm thúc đẩy hợp tác toàn cầu; và các doanh nghiệp, thông qua kinh doanh có trách nhiệm và đầu tư xanh, theo PwC.

PV (t/h)