Minh hoạ của ĐAN.
Điều này cho thấy việc kiểm soát dòng thuế không chặt chẽ dẫn đến việc ngày càng nhiều cá nhân nhận thu nhập “khủng” từ những “ông lớn công nghệ” như Facebook, Google hay các game trực tuyến nhưng không kê khai thuế. Nhà nước đã thất thu hàng nghìn ti đồng̉, thậm chí nhiều hơn.
Thu thuế như “đựng nước bằng rổ”
Trước đây Nguyễn Hà Đông, người tạo ra game Flappy Bird đã chủ động kê khai và nộp cho cơ quan thuế 1,4 tỷ đồng tiền thuế thu nhập.
Thế nhưng vẫn chưa có con số chính thức nào về số tiền mà Nguyễn Hà Đông nhận được từ game này dù từng có đồn đoán về việc cha đẻ của tựa game Flappy Bird kiếm về số tiền khoảng 50.000USD mỗi ngày và với hơn 50 triệu lượt tải về này có khoản thu nhập hơn 200 tỷ đồng. Nếu vậy số tiền đóng thuế phải gấp hàng chục lần khoảng 1,4 tỉ đồng đã đóng.
Với vụ việc ở TPHCM, ngoài đối tượng bị truy thu 4,1 tỉ đồng như đã nói ở trên, qua kiểm tra từ 4 ngân hàng, Cục Thuế TPHCM thấy có khoảng 500 tỷ đồng từ các công ty nước ngoài chuyển về cho các cá nhân trong nước. Phần lớn số này vẫn chưa chủ động kê khai và nộp thuế.
Từ giữa năm 2017, Cục Thuế tại TPHCM và Hà Nội cũng đã rà soát gần 30.000 tài khoản Facebook có hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng để tiến hành lập hồ sơ thuế.
Con số trên vẫn là quá nhỏ so với thực tế kinh doanh qua mạng hiện nay. Theo thống kê, có tới 35% doanh nghiệp đang bán hàng trên mạng xã hội, có thể tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán hàng trên Facebook với doanh thu lớn nhưng không nộp thuế.
Theo quy định, cá nhân cư trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh có ngưỡng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc xác định doanh thu là rất khó khi tại Việt Nam hiện nay, thanh toán bằng tiền mặt còn quá lớn. Nên việc thu thuế chỉ hiệu quả khi hoạt động bán hàng không thanh toán tiền mặt và trung thực với cơ quan thuế.
Cơ quan chức năng tổ chức đếm số tiền thu được từ vụ đánh bạc qua mạng. Ảnh: P.V
Lỗ hổng từ game online
Vụ đánh bạc nghìn tỉ mà cơ quan điều tra Phú Thọ đang xử lý cho thấy dòng tiền khổng lồ mà các đối tượng mà các doanh nghiệp liên quan nhận được.
Cụ thể, tiền tham gia đánh bạc qua 2 đường chính là cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và hệ thống đại lý. Tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỷ đồng. Về lợi nhuận, doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỷ đồng; doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng khoảng 258,4 tỷ đồng; nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỷ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỷ đồng; 2.645 tỷ đồng trả thưởng cho con bạc.
Điều đáng nói, trong kết luận điều tra đã không có tội danh trốn thuế đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vụ đánh bạc này. Phải chăng họ đã thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ?
Thực tế để trốn thuế và hợp thức các dòng tiền khổng lồ, các đối tượng đã sử dụng các cổng thanh toán để mua bán trái phép hóa đơn, kê khai khống chi phí đầu vào như xăng xe, thuê nhà, thiết bị vật tư, máy móc…với mục đích giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, hợp pháp hóa dòng tiền “bẩn”.
Vụ đánh bạc nghìn tỉ với hai game trực tuyến bị phá là Rikvip/Tip.club chỉ là một phần nhỏ trong thị trường game online (cả hợp pháp lẫn bất hợp phá) hiện nay. Thị trường game online tại Việt Nam đang đứng thứ 36/100 thị trường mang lại doanh thu lớn nhất thế giới với doanh thu hằng năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, chính các cơ quan thuế lại khẳng định, đang tồn tại nhiều khó khăn trong việc kiểm soát đóng thuế của game online, dẫn đến thất thu một khoản ngân sách lớn.
Không thể đứng ngoài cuộc chơi công nghệ cũng như không thể từ chối thị trường game online đầy tiềm năng. Vấn đề của các cơ quan chức năng là làm sao để có sự giám sát, quy định để chặn dòng thất thu thuế khổng lồ hiện nay.
Linh Anh/ TP