Trải qua thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những bất cập về chuỗi cung ứng đã bộc lộ rõ nét. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam gần như không đủ nguyên phụ liệu để sản xuất. Hiện nay dù tình hình hiện có cải thiện hơn, tuy nhiên đây vẫn là nút thắt không chỉ cho năm nay mà trong dài hạn của cả 2 ngành. Vì vậy, việc hoàn thiện các chính sách nhằm tạo động lực lớn hơn thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu, lẫn cải thiện năng lực quản trị đang là những vấn đề cấp thiết.
Thực tế để ứng phó với khó khăn trên, doanh nghiệp dệt may, da giày đã nỗ lực tự thân tìm ra những giải pháp, nhất là giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời. Để "chữa" tận gốc vấn đề cần đồng bộ từ chính sách đến định hướng và thực hiện.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong nỗ lực khôi phục sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt, đồng thời xây dựng các giải pháp dài hạn. Trong đó, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.
Bộ Công Thương cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày cũng như phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành.
Liên quan tới mặt hàng xăng dầu, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn cũng như kiến nghị Quốc hội điều chỉnh lại các chính sách thuế qua đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động từ thị trường, thích ứng dần với bối cảnh mới.
Trong những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các biện pháp không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, các bên liên quan có các phương án, giải pháp thống nhất công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với các khó khăn.
Chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến và nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.
Đối với chi phí về logistics, trong Quyết định 221/2021/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đã được đặt ra nhằm từng bước phát triển logistics và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
PV