Thành tựu công cuộc đổi mới đã tạo nên một nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước

17:37 28/01/2021

Phát biểu tại phiên Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng 28/1/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo nên một nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng 28/1
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng 28/1.

Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm

Nhìn lại quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước thời gian qua, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, lĩnh vực này đã đạt được những kết quả rất quan trọng và tương đối toàn diện, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tới nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

“Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực.

Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cùng với các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo, như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát... tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước ta, đặc biệt trước những yêu cầu và đòi hỏi trong giai đoạn phát triển sắp tới với mục tiêu đặt ra là vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Theo đó, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Còn có sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững. Các ngành công nghiệp của ta nhìn chung mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (là các khâu gia công, lắp ráp), chưa chiếm lĩnh được các phân khúc có giá trị gia tăng cao như các khâu thượng nguồn (như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; quảng bá sản phẩm, phân phối, chăm sóc khách hàng) hoặc cung ứng các sản phẩm dịch vụ và các khâu hạ nguồn (như nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất).

Cùng với đó, động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là hệ quả của mối liên kết yếu giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng, cho thấy năng lực cạnh tranh còn hạn chế của các doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thực chất, đây là biểu hiện của tăng trưởng năng suất thấp và khả năng cạnh tranh yếu của khu vực kinh tế trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế), có trình độ công nghệ không cao, năng lực tài chính hạn chế, khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao... Do vậy đã dẫn đến sức cạnh tranh thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu hạn chế....

Tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.

Để có thể tận dụng được thời cơ này, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương một số định hướng lớn cần tập trung thực hiện là tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp, giữa chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác để hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm.

Cần khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp của đất nước. Tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tư nhân trong nước trong các ngành quan trọng như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ phân phối, chế biến nông sản, sắt thép.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hình thành rõ nét các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa theo chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu để nâng cao giá trị gia tăng; hình thành các trục/vùng mũi nhọn chuyên môn hóa về phát triển các ngành công nghiệp gắn với quy hoạch vùng và lãnh thổ để khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa kinh tế...

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh. Tập trung xem xét xây dựng các Luật mới trong một số ngành, lĩnh vực mới để tạo lập nên các cơ chế mới mang tính nền tảng cho phát triển các ngành, lĩnh vực.

Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới.

An An