Thanh toán không tiếp xúc không ngừng tăng trong 4 tháng đầu năm 2022

23:30 30/04/2022

Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 4 năm 2022, thanh toán không tiếp xúc đang chiếm đến gần 44% tổng khối lượng giao dịch và chiếm gần 40% giá trị giao dịch.

Chuyển đổi số là một chủ trương lớn mà Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai thực hiện. Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người dân đang dần có những thay đổi lớn, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nhanh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt.

Ở Việt Nam, theo số liệu được thống kê trên mạng lưới đối tác F&B của Payoo, các nguồn thanh toán phổ biến là thẻ (thẻ nội địa và thẻ quốc tế) chiếm 85%, QR code qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng chiếm 15%. Trong nguồn thanh toán thẻ, hình thức thanh toán không tiếp xúc (contactless) có xu hướng tăng cao.

Thanh toán không tiếp xúc không ngừng tăng trong 4 tháng đầu năm 2022
Thanh toán không tiếp xúc không ngừng tăng trong 4 tháng đầu năm 2022.

Quý I năm 2022, thanh toán không tiếp xúc chiếm khoảng 38% trên khối lượng và 33,5% theo giá trị giao dịch.

Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 4 năm 2022, thanh toán không tiếp xúc đang chiếm đến gần 44% tổng khối lượng giao dịch và chiếm gần 40% giá trị giao dịch. Trong khi đó, con số này ở quý IV năm 2021 lần lượt là 27% và 28%.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Lê Văn Tuyên, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập đó là: Thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking,… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Ðể thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo ông Lê Văn Tuyên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, đồng thời chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến…

Linh Anh