Kẹt xe gây thất thoát hơn 4,3 tỷ USD/năm
Tại Đông Nam Á, quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đang tạo áp lực lớn lên các thành phố đang phát triển, đặc biệt là tình trạng tắc nghẽn giao thông. Khi nền kinh tế khu vực phát triển mạnh mẽ và GDP liên tục tăng cao, ngày càng nhiều người đổ về đô thị, trong khi hệ thống giao thông công cộng hiện tại không đủ sức đáp ứng nhu cầu ngày một lớn.
Theo ôngSafdar Khan - Chủ tịch Khu vực Đông Nam Á của Mastercard, tại Indonesia, các nhà quản lý giao thông đã ước tính tình trạng kẹt xe phổ biến tại Jakarta gây thất thoát 4,38 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Bangkok - dù đã sở hữu hệ thống tàu điện hiện đại - vẫn đang xem xét áp dụng chính sách thu phí ùn tắc nhằm kiểm soát lưu lượng giao thông ngày càng quá tải.
![]() |
Ông Safdar Khan, Chủ tịch Khu vực Đông Nam Á của Mastercard. Ảnh: MC |
Bên cạnh tình trạng tắc nghẽn thường nhật, các sự kiện quy mô lớn, như SEA Games hay giải đua xe F1 có tiềm năng được tổ chức trong khu vực, cũng có thể khiến hạ tầng đô thị quá tải. Tại nhiều thành phố Đông Nam Á, hệ thống giao thông công cộng vẫn chưa phát triển, khiến ngay cả việc di chuyển hàng ngày cũng gặp nhiều khó khăn.
Trước áp lực ngày càng gia tăng từ tốc độ đô thị hóa và nhu cầu đi lại của người dân, các thành phố trong khu vực đang gấp rút đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Năm ngoái, Jakarta (Indonesia) đã khởi công xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao (MRT) mới. TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) đã chính thức khai trương tuyến metro đầu tiên vào tháng 12/2024, còn Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) tiếp tục mở rộng mạng lưới MRT.
Tuy nhiên, ông Safdar Khan cho rằng, với những đô thị có tốc độ phát triển nhanh chóng, nâng cao công suất giao thông là chưa đủ. Để đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng tăng của người dân, các thành phố cần hướng đến việc hiện đại hóa hệ thống giao thông theo hướng thông minh, bền vững và có khả năng thích ứng dài hạn.
Tăng cường khả năng thích ứng cho hệ thống giao thông công cộng
Thực tế, nhiều thành phố tại Đông Nam Á hiện chưa phát triển hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, điều này mở ra cơ hội để triển khai các hệ thống thanh toán tích hợp quy mô lớn. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ cho phép người dân thanh toán linh hoạt tại các cổng kiểm soát bằng nhiều phương thức như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử hoặc thiết bị thông minh cầm tay.
Những hệ thống như vậy còn gọi là open-loop (hệ thống mở), khác với closed-loop (hệ thống khép kín) vốn yêu cầu người dùng sử dụng thẻ hoặc vé riêng biệt – mang đến một giải pháp tiết kiệm chi phí để giảm rào cản cho người dùng.
Hệ thống open-loop giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận hệ thống giao thông công cộng và đảm bảo mọi người đều có thể hưởng lợi từ dịch vụ một cách công bằng.
Đối với các đơn vị vận hành, hệ thống open-loop cho phép họ tập trung vào các dịch vụ cốt lõi, thay vì phải duy trì những hệ thống thanh toán phức tạp. Nhờ đó, các thiết bị bán vé lỗi thời, tiêu tốn nhiều chi phí vận hành có thể được loại bỏ; đồng thời quy trình thu phí được tinh gọn và minh bạch hơn, góp phần giảm thiểu thất thoát doanh thu do các sự cố như thẻ hết hạn hoặc bị mất.
Việc cho phép hành khách sử dụng trực tiếp thẻ ngân hàng hoặc thiết bị di động cũng giúp gia tăng lượng người sử dụng, mở ra tiềm năng tăng doanh thu cho hệ thống.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp hệ thống thanh toán sẽ cung cấp cho chính quyền thành phố dữ liệu về thói quen di chuyển của người dân, từ đó giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực và hỗ trợ công tác quy hoạch đô thị hiệu quả hơn trong tương lai.
Thách thức nâng cấp hệ thống bảo mật
Mặc dù chưa được phổ biến trên toàn cầu, hệ thống thanh toán open-loop không còn là khái niệm xa lạ đối với giao thông công cộng. Cục Vận tải London (TfL) là một trong những đơn vị đầu tiên chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ ngân hàng trên các tuyến xe buýt vào năm 2012, sau đó triển khai trên toàn bộ hệ thống giao thông công cộng vào năm 2014.
Sau 10 năm triển khai, khoảng 70% lượt thanh toán khi di chuyển với xe buýt của TfL được thực hiện qua thẻ thanh toán không tiếp xúc hoặc thiết bị di động. Hệ thống này cũng ghi nhận số lượng thẻ thanh toán mới được sử dụng tăng đáng kể từ khi áp dụng thanh toán không tiếp xúc.
Theo thông tin từ TfL, việc triển khai thanh toán không tiếp xúc đã góp phần cắt giảm gần một nửa chi phí vận hành liên quan đến hoạt động thu phí…
Năm 2019, Cơ quan Giao Thông Vận tải Đường bộ Singapore (LTA) chính thức đưa SimplyGo, hệ thống thanh toán open-loop đầu tiên tại Châu Á, vào hoạt động sau 03 năm thử nghiệm. Đến cuối năm 2019, SimplyGo đã được đón nhận rộng rãi, với hơn 250.000 lượt di chuyển mỗi ngày được thanh toán qua hệ thống này.
Sự tiện lợi của việc chạm thẻ thanh toán trong giao thông công cộng không chỉ cải thiện trải nghiệm di chuyển, mà còn thúc đẩy người dân sử dụng thanh toán điện tử trong các lĩnh vực khác như bán lẻ, góp phần vào chiến lược xây dựng xã hội không tiền mặt của Singapore.
Mặc dù mang lại những lợi ích rõ ràng, việc chuyển đổi sang hệ thống thanh toán open-loop vẫn đối mặt với không ít thách thức. Việc nâng cấp hạ tầng thu phí đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, trong khi các cơ quan vận hành giao thông công cộng phải liên tục cân đối ngân sách giữa nhiều hạng mục ưu tiên cạnh tranh, bao gồm mở rộng đội phương tiện, nâng cấp nhà ga, cũng như duy trì hoạt động vận hành hàng ngày…
Một thách thức khác nằm ở việc tích hợp công nghệ open-loop vào các hệ thống giao thông hiện hữu, vốn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các hạ tầng cũ không được thiết kế để xử lý thanh toán số. Việc nâng cấp không chỉ bao gồm thay thế các thiết bị như đầu đọc thẻ không tiếp xúc tại các nhà ga và trạm xe buýt, mà còn cần nâng cấp hệ thống bảo mật và thiết lập mạng lưới thanh toán theo thời gian thực có khả năng xử lý hàng triệu giao dịch mỗi ngày.
Việc tích hợp hệ thống thanh toán mới cũng mang đến những rủi ro tiềm ẩn về an ninh mạng. Tính đến tháng 6/2024, khoảng 11% các cuộc tấn công mạng được ghi nhận có mục tiêu là hệ thống giao thông vận tải. Nhằm đối phó với tình trạng này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao thông công cộng cần áp dụng các biện pháp bảo mật tiên tiến như mã hóa đầu-cuối và hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng phát hiện mối đe dọa, từ đó giảm thiểu lỗ hổng và nâng cao tính an toàn của giao dịch.
Đông Nam Á: Tương lai giao thông đo bằng sự thông minh trong vận hành
Tương lai của hệ thống giao thông đô thị tại Đông Nam Á không chỉ nằm ở việc giải quyết vấn đề tắc nghẽn, mà còn được định hình bởi sự thay đổi trong trải nghiệm di chuyển của người dân.
"Trong vòng 5 đến 10 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự hình thành của những hệ thống giao thông đô thị thông minh, linh hoạt, có khả năng đáp ứng những nhu cầu liên tục thay đổi của người dân và du khách", ông Safdar Khan nói.
Hệ thống giao thông công cộng trong tương lai sẽ sử dụng những công nghệ tiên tiến như dự báo nhu cầu của hành khách dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu theo thời gian thực, nhằm dự đoán lưu lượng hành khách, tối ưu hóa lộ trình và giảm thiểu chậm trễ bằng cách điều chỉnh dịch vụ ngay trong thời gian thực.
Đồng thời, việc triển khai công nghệ thanh toán sinh trắc học sẽ mang đến trải nghiệm thanh toán liền mạch trên nhiều phương tiện giao thông công cộng khác nhau như tàu điện, taxi hay thậm chí là taxi tự lái, chỉ với khuôn mặt hoặc vân tay. Công nghệ này đồng thời nâng cao khả năng bảo mật, mang đến trải nghiệm thanh toán an toàn và cá nhân hóa cho người dùng.
Khi dân số đô thị tại Đông Nam Á tiếp tục gia tăng, hệ thống giao thông thông minh sẽ giúp các thành phố không chỉ mở rộng về quy mô mà còn nâng cao khả năng kết nối khu vực.
Với cam kết hiện đại hóa hệ thống giao thông vào năm 2030, các quốc gia Đông Nam Á có thể kỳ vọng vào sự phát triển của những mạng lưới giao thông đa phương tiện quy mô lớn, không chỉ giới hạn trong nội đô mà còn kết nối các vùng nông thôn và thành thị, rút ngắn thời gian di chuyển và mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế.
Tương lai giao thông của khu vực Đông Nam Á sẽ không chỉ được đo bằng quy mô, mà còn bằng mức độ thông minh trong vận hành, nơi các thành phố được chuyển mình thành những trung tâm linh hoạt và hiện đại, có khả năng thích ứng với nhu cầu di chuyển không ngừng thay đổi, đồng thời đáp ứng hiệu quả các lựa chọn đi lại bền vững, đáng tin cậy cho cả người dân địa phương lẫn du khách quốc tế.