Giá nhà Hà Nội cao nhưng người mua vẫn có cơ hội Căn hộ Hạng B dẫn dắt thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh năm 2025 |
Thị trường bất động sản trong những năm qua đã trải qua nhiều biến động, từ sự sốt giá đến tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm nhà ở đối với người dân có thu nhập thấp. Trước tình hình này, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã có những động thái quan trọng nhằm lành mạnh hoá thị trường và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân và sự ổn định của nền kinh tế.
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề như tăng giá bất động sản không kiểm soát, tình trạng đầu cơ, thiếu minh bạch trong giao dịch và các thủ tục hành chính phức tạp. Các yếu tố này đã khiến thị trường trở nên bất ổn, gây khó khăn cho người dân trong việc sở hữu nhà ở, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp và những người có nhu cầu nhà ở xã hội.
![]() |
Làm trong sạch thị trường bất động sản thông qua giao dịch điện tử (Ảnh: Phan Chính) |
Đặc biệt, trong khi thị trường nhà ở cao cấp và nhà đất tại các khu vực đô thị lớn vẫn phát triển mạnh mẽ, thì nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp lại chưa được đáp ứng đầy đủ. Sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội đã trở thành một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Để khắc phục các vấn đề trên, Bộ Xây dựng đã đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm lành mạnh hoá thị trường bất động sản và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Một trong những sáng kiến quan trọng mà Bộ Xây dựng đang triển khai là mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý. Theo đó, các giao dịch bất động sản sẽ được thực hiện thông qua hình thức điện tử. Đây là một bước đi lớn nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý giao dịch bất động sản.
Bình luận về vấn đề này, TS. Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá Thị trường Bất động sản Việt Nam, cho rằng sự ủng hộ mạnh mẽ đối với kế hoạch triển khai và đề xuất của Bộ Xây dựng về việc liên thông dữ liệu bất động sản. Kế hoạch này cho phép thực hiện giao dịch qua hệ thống điện tử, kết nối với các cơ quan công chứng, thuế và đăng ký đất đai.
![]() |
TS. Trần Xuân Lượng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam |
Theo ông Lượng, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào "Kỷ nguyên vươn mình", với sự đổi mới mạnh mẽ về thể chế, cơ chế, cũng như quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ, việc triển khai hệ thống này hoàn toàn khả thi và có cơ sở vững chắc.
“Chúng ta đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi kết hợp với các dữ liệu về đất đai, nhà cửa, tài sản và đầu tư, nếu được triển khai đồng bộ, đây sẽ là một bước tiến lịch sử – một cuộc cách mạng trong ngành bất động sản, đất đai và nền kinh tế nói chung. Đây chính là nền tảng quan trọng để triển khai mô hình chứng khoán hóa và số hóa giao dịch bất động sản”, Vị chuyên gia này chia sẻ.
Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Bộ Công an để xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản. Hệ thống này sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đầu tư và hoạt động xây dựng, tạo ra một nền tảng thông tin đầy đủ và chính xác.
Việc kết nối các cơ sở dữ liệu này không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch mà còn hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến bất động sản.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn đặt mục tiêu chuyển đổi số trong tất cả các thủ tục giao dịch bất động sản, bao gồm công chứng, thuế và đăng ký giao dịch đất đai. Đây là bước quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng giấy tờ rườm rà, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Như vậy, bước đi của Bộ Xây dựng trong việc lành mạnh hoá thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đang tạo ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của thị trường này trong tương lai. Việc áp dụng công nghệ, cải cách thủ tục hành chính và đầu tư vào phát triển nhà ở xã hội sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam trở nên minh bạch, ổn định và phát triển bền vững. Hơn nữa, những nỗ lực này không chỉ hỗ trợ các đối tượng thu nhập thấp mà còn thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.