Thành phố Hà Nội tiến tới phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy

11:41 15/06/2023

Hà Nội sẽ giao Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan hoàn thiện đề án phân vùng hạn chế hoạt động, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội" từ năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, TP đặt mục tiêu kinh tế đô thị đóng góp 85% GRDP TP vào năm 2025 và năm 2030 tỉ lệ đóng góp là 90%.

Thành phố Hà Nội đặt ra nhiều giải pháp phát triển các ngành kinh tế đô thị, trong đó có việc phát triển thương mại - dịch vụ (phát triển du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ giáo dục đào tạo chất lượng cao; dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe cho người trong nước và người nước ngoài…); phát triển công nghiệp - xây dựng; phát triển công nghiệp đô thị…

Thành phố cũng sẽ phát triển các mô hình kinh tế mới như: Kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế khác như kinh tế du lịch, kinh tế thể thao, kinh tế vỉa hè…

Về cải tạo, chỉnh trang đô thị, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các quận tham mưu triển khai công tác cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường.

“Cả khu vực nội đô được cải tạo, chỉnh trang để khai thác kinh tế đô thị hiệu quả nhất - biến cả khu vực nội đô lịch sử thành khu vực có thể đi bộ (thiết kế, chỉnh trang sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất để đi bộ: vỉa hè mát, đường đi bộ riêng, nhiều ghế dừng nghỉ, nhiều cây xanh…), để kinh tế vỉa hè, kinh tế cá thể phát triển bên cạnh ngành kinh tế hiện đại (thay vì một số tuyến phố đi bộ như hiện nay)", văn bản của thành phố nêu.

Về kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn, UBND TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng triển khai các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025, chú trọng về nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, TP.Hà Nội nêu 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện.

Đáng chú ý, Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập đề án "phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".

Ngoài ra, đề án "thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" cũng được giao các đơn vị liên quan thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030.

Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng, các sở, ngành liên quan trong giai đoạn 2023-2025, lập Đề án "Chỉnh trang, làm đẹp cảnh quan hai bên bờ sông Hồng trên địa bàn thành phố giai đoạn từ nay đến 2030".

Hiện, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội là khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 6 triệu xe máy; chưa kể còn khoảng hơn 1 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại thủ đô.

Minh Phương (t/h)