Thanh Hóa: Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh

00:00 12/10/2020

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ ngày 01/01-15/3/2020, toàn tỉnh có 456 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn điều lệ đăng ký đạt 2.855 tỷ đồng, tăng 23,2% về số doanh nghiệp và giảm 20,2% về vốn điều lệ so với cùng kỳ. Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 8 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Số lao động đăng ký dự kiến của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I năm 2020 là 4.902 lao động.

Công ty CPMXK Trường Thắng, một trong số ít những doanh nghiệp trong tỉnh có hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường trong mùa dịch Covid-19

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao. Tính đến 15/3/2020, có 22 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm  58% so với cùng kỳ (giảm 31 doanh nghiệp). Trong số các doanh nghiệp giải thể, có 6 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dịch vụ; 8 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề bán buôn bán lẻ; 4 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng; 04 doanh nghiệp thuộc nhóm công nghiệp, chế biến.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 423 DN, tăng 8,7% so với cùng kỳ (tăng 34 doanh nghiệp); trong tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn, có 9 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông nghiệp; 148 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thương mại, dịch vụ; 42 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp, sản xuất, chế biến; 56 doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng; 141 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề bán buôn bán lẻ; 27 doanh nghiệp thuộc nhóm dịch vụ vận tải. Nguyên nhân chủ yếu các doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là do chưa huy động được nguồn vốn kinh doanh, phương án và thị trường kinh doanh chưa phù hợp do dịch bệnh gây ra.

Dự báo trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên việc thành lập mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong một số lĩnh vực sẽ giảm so với cùng kỳ, như: Ngành nghề nghệ thuật, vui chơi, giải trí; vận tải kho bãi; dịch vụ việc làm, du lịch; sản xuất phân phối điện, nước, ga; công nghiệp chế biến, chế tạo.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã với năng lực tài chính, sản xuất còn hạn chế, sẽ là đối tượng chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp nhất từ dịch bệnh, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm, doanh thu, nguồn vốn cho tái cơ cấu sản xuất, khả năng thanh khoản, thực hiện nghĩa vụ tài chính, huy động lao động, chi phí đầu vào... Một số doanh nghiệp trên địa bàn có sử dụng chuyên gia quản lý, chuyên gia kỹ thuật từ nước ngoài cũng gặp khó khăn trong việc ổn định nhân lực, triển khai sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản hầu hết có mối liên hệ, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc. Do vậy, trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, đã tác động không chỉ đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản mà còn tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 57% giá trị xuất khẩu các nông sản của tỉnh Thanh Hóa, do vậy việc chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn nhất định, nhất là xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc như: Rau, quả, sắn, dăm gỗ… Mặt khác, việc nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… gặp khó khăn, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch nói riêng và ngành du lịch Thanh Hóa nói chung; nhất là các lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải du lịch, các công ty lữ hành.... Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trong 3 tháng gần đây, số người muốn đi du lịch, có kế hoạch đi du lịch giảm mạnh; nhiều cuộc họp, hội nghị trong chương trình du lịch (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổng kết, khen thưởng) tại các khách sạn lớn đã hủy bỏ; dịch bệnh cũng làm cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại các khu, điểm du lịch bị dừng, đặc biệt các lễ hội thường niên đầu xuân. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng cũng bị giảm mạnh.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Hiện nay, Trung ương đã ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; đặc biệt, Chính phủ đang nghiên cứu để ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cùng với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị, theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung nghiên cứu, tham mưu ban hành một số chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa và các ngành, đơn vị liên quan, nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp vay tối đa 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng để trả lương cho người lao động. Sở Tài chính rà soát, đề xuất cắt giảm một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết trong dự toán năm 2020, nhất là khoản chi sự nghiệp kinh tế, chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chi nguồn cải cách tiền lương... để có nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành,….

Như vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang tác động xấu tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Chính vì lẽ đó, việc hỗ trợ kịp thời của Chính phủ có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp.

Minh Hiền