Là doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Nông Cống, Công ty giày Kim Việt – Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn Xin Long (Trung Quốc) có công suất hoạt động 9.000 nghìn sản phẩm/năm. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do thị trường biến động, đơn hàng sụt giảm, song công ty vẫn nỗ lực duy trì việc làm, tìm kiếm thị trường và ổn định đầu ra, không để người lao động phải mất việc. Đến nay, công ty đang tạo việc làm cho trên 14.000 lao động tại địa phương, với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hoàng Sơn hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng, công ty đã đầu tư nhiều thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Hiện công ty đã xây dựng được hệ thống 6 nhà máy may tại các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Quảng Xương. Mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 5 triệu sản phẩm may mặc các loại sang nhiều thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... tạo thu nhập ổn định cho hơn 400 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu. Để thu hút lao động, công ty đã cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu của công nhân như chế độ, thu nhập, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội".
Công ty Hoàng Sơn tận dụng nguồn lao động tại chỗ trong hoạt động sản xuất. |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nông Cống đã có gần 700 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, xây dựng, cùng các sản phẩm chủ lực như may mặc, giày da góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20.000 lao động trên địa bàn huyện.
Đại diện UBND huyện Nông Cống cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh và sự nỗ lực phấn đấu của tỉnh, trên địa bàn huyện cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn. Việc mở ra nhiều tuyến đường đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vào địa bàn huyện phát triển. Việc phát triển doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm tích cực tại địa phương. Con em xa quê đã dần trở về quê hương sinh sống và phát triển kinh tế. Huyện cũng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về quy hoạch, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh tạo việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện tốt chế độ chính sách cho người lao động như các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiền ăn, nhà ở, chế độ xăng xe, phụ cấp độc hại, tăng ca, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các trang thiết bị, phục vụ cho công tác an toàn lao động... Đồng thời, phối hợp với tổ chức Công đoàn thăm hỏi động viên tặng quà cho các gia đình người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ xây dựng mái ấm công đoàn cho đoàn viên khó khăn về nhà ở; phát động và tổ chức các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động.
Tại công ty Tiến Nông, Việc chăm lo đời sống, môi trường làm việc cho người lao động được doanh nghiệp xác định là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của doanh nghiệp. Vì thế, tất cả các chế độ chính sách cho người lao động tại Công ty được thực hiện đầy đủ 100%, ngoài ra có rất nhiều các chế độ khác để khuyến khích cho người lao động.
Thanh Hoá cũng đã thực hiện nhiều giải pháp về cải cách hành chính, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thanh Hoá luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Định kỳ hằng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thường tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Cùng đó, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí thời gian ít nhất 1 ngày trong tháng để tổ chức tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tỉnh Thanh Hoá cũng tập trung các giải pháp đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về chấp thuận chủ trương đầu tư, góp phần gia tăng sức hút với các doanh nghiệp, dự án lớn. Theo đó, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian xử lý so với quy định, giảm chi phí thời gian cho nhà đầu tư như: Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng; giao đất, cho thuê đất; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường... Đồng thời, thường xuyên tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Là địa phương có dân số đông, nguồn lao động dồi dào là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và địa phương thu hút nguồn nhân lực. Vì thế việc thu hút doanh nghiệp về các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng là phương án để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó góp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho lao động nông thôn, tăng thu ngân sách địa phương.