Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lực Thanh Hóa mong muốn Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách ưu tiên nguồn lực tích cực để phát triển kinh tế tư nhân.
“Nút thắt” cần được tháo gỡ
Đánh giá về việc giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bản tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ chỉ rõ: Công tác cải cách thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương có chuyển biến nhưng còn chậm; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng điện tử còn thấp; công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn hạn chế. Một số sở, ngành, địa phương chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm; vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nội dung thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Việc giải quyết đề xuất, kiến nghị cho doanh nghiệp của một số ngành, địa phương còn chậm. Đặc biệt vẫn còn dấu hiệu các đối tượng hình sự can dự vào các hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác khoáng sản...
Môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, quản trị, nguồn nhân lực…
Nguyên nhân những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan là do các quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh còn chưa đồng bộ, một số quy định rất khó thực hiện; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn. Song, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu một số đơn vị chưa cao; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết các công việc liên quan đến doanh nghiệp. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp còn có lúc, có việc chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ.
Mặt khác, đa phần các doanh nghiệp có xuất phát điểm thấp, thậm chí chỉ từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, luôn trong tình trạng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị và tài sản đảm bảo, nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chưa thực sự năng động, thiếu nắm bắt thông tin dự báo. Trình độ quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế. Chưa coi trọng việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư kinh doanh dài hạn. Khả năng chống chịu, thích ứng với biến động thị trường còn thấp.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2020, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 499 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 3.262 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp phá sản đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp mới thành lập có đến 2/3 doanh nghiệp không tham gia thị trường.
Chia sẻ về những bất cập, khó khăn đối với sự phát triển doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Thanh Hóa nêu quan điểm về những con số về phát triển doanh nghiệp có thể đạt và vượt chỉ tiêu tuy nhiên trên thực tế còn những vấn đề chưa ổn. Cái được là về số lượng doanh nghiệp thành lập mới còn cái không được là chất lượng và hiệu quả chưa có. Mặc dù chưa có số liệu thống kê, song theo quan sát, số lượng doanh nghiệp thành lập mang tính chất “chín ép” không gia nhập thị trường, không hoạt động gì chiếm đến 2/3 số doanh nghiệp thành lập mới. Nhìn về mặt xã hội thì không tổn thất gì lớn nhưng về nguyên lý để phát triển doanh nghiệp, nó đã đi trái với quy luật tự nhiên nên không mang lại hiệu quả và gây tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp.
Về những vướng mắc cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, ông Hiệu còn nói đến môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự bình đẳng, ông nhấn mạnh: “Tiềm năng lợi thế của Thanh Hóa hơn hẳn nhiều tỉnh khác (đất rộng, người đông, vị trí địa lý thuận lợi, …). Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành NQ 58 dành riêng cho tỉnh Thanh Hóa và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Chính những lợi thế này là “đòn bẩy” để Thanh Hóa hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Cái mong muốn nhất của VCCI cũng như cộng đồng doanh nghiệp là tỉnh phải tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng để doanh nghiệp được “sinh sôi nảy nở” trong môi trường tốt và có sự cạnh tranh lành mạnh. Bây giờ, vấn đề của doanh nghiệp không chỉ là tiền bạc, đất đai mà quan trọng nhất vẫn là môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, dễ chịu. Đó còn là công tác cải cách hành chính, công tác liên quan đến cán bộ điều hành, cán bộ thực thi nhiệm vụ phải tiếp tục được đổi mới. Còn lại nếu như vẫn ở trạng thái bài xưa, bài cũ thì tiềm năng như thế nhưng chúng ta vẫn không có thể bứt phá lên được”.
Doanh nghiệp mong muốn
Là doanh nghiệp có nhiều đóp góp cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và cũng là người đại diện nói lên tiếng nói về quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lực Thanh Hóa chia sẻ một số vấn đề cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Ông cho rằng, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò lớn đối với sự phát triển đất nước, nhưng vai trò ấy chưa được phát huy thật sự đầy đủ do còn tồn tại những khó khăn, cản trở từ chính bản thân kinh tế tư nhân và từ bất cập trong công tác quản lý với kinh tế tư nhân. Trong đó vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt phân biệt vai trò giữa Doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp tư nhân.
Ông Đệ nhấn mạnh: “Ở đâu đó vẫn còn tư tưởng bên trọng, bên khinh, coi trọng doanh nghiệp Nhà nước, xem nhẹ tư nhân...” Chính vì vậy, tôi cho rằng, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục tuyên truyền và có chính sách ưu tiên nguồn lực tích cực để phát triển kinh tế tư nhân. Những gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì doanh nghiệp nhà nước nên nhường lại để doanh nghiệp tư nhân làm, còn các cơ quan bộ, ngành nên tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thậm chí, nhiều lĩnh vực, dịch vụ công mà nhà nước đang độc quyền cũng có thể cân nhắc, lựa chọn để doanh nghiệp tư nhân tham gia”.
“Lâu nay Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, rút quy trình nhưng chưa đạt yêu cầu phát triển xã hội. Tôi đề nghị rút ngắn tối đa quy trình thực hiện dự án để doanh nghiệp yên tâm tập trung đầu tư, triển khai dự án. Bởi trên thực tế có dự án phải thực hiện trên dưới 100 quy trình thủ tục, phải mất 2-3 năm mới xong. Luật pháp còn chồng chéo, Thông tư, Nghị định hướng dẫn trái luật, không có sự thống nhất, đồng bộ, có lợi cho nhóm, không vì mục đích nhân dân, doanh nghiệp và quốc gia” - ông Đệ cho biết thêm.
Là doanh nghiệp mới thành lập, bà Lê Thị Vân, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại- Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Rich Farm mong muốn, Đảng và Nhà nước cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các đoàn viên thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn hỗ trợ. Cụ thể là nên có cơ chế linh hoạt về thủ tục vay vốn cho các đoàn viên, thanh niên có mô hình phát triển kinh tế, cho phép được dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm thế chấp hoặc được vay vốn bằng tín chấp, vay vốn theo dự án sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện trong việc kết nối quảng bá thương hiệu tới các đơn vị, doanh nghiệp, khách hàng. Có giải pháp xúc tiến thương mại cho những doanh nghiệp non trẻ để đưa các sản phẩm ra thị trường rộng lớn.
Bà Vân bày tỏ hi vọng: “Tôi rất mong muốn được chính quyền tạo điều kiện về cơ chế, chính sách trong việc tích tụ ruộng đất, phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để thực hiện các dự án cây trồng có giá trị kinh tế cao. Những doanh nghiệp mới khởi nghiệp cũng như những người trẻ muốn làm giàu rất cần các chương trình kết nối các dự án Khởi nghiệp: giữa Nhà đầu tư với Khởi nghiệp, Doanh nghiệp lớn với Khởi nghiệp và Khởi nghiệp với Khởi nghiệp để tạo ra một cộng đồng Khởi nghiệp đoàn kết, phát triển”.
Hai năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, chính trị, văn hóa đời sống của xã hội loài người và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Thực tế cho thấy, những khó khăn chính mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt là các vấn đề về lao động và quản lý. Sự gián đoạn chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp, chế biến, chế tạo. Nguồn cung ứng bị hạn chế dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như: du lịch, vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo... chịu tác động hết sức nặng nề. Nhiều doanh nghiệp không phát sinh doanh thu nhưng vẫn phải chi trả các khoản chi phí cố định, trong khi đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp vẫn chưa được nhiều.
Được biết, Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã nêu kiến nghị để Chính phủ kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Nghị quyết mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đó là việc sửa đổi các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế,... cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là việc đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc hoàn thuế giá trị gia tăng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt mới phát sinh liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Minh Hiền