Thanh Hóa: Gian nan đường về Đồng Lách

15:31 27/04/2021

Đó là một con đường độc đạo, là huyết mạch kết nối bà con bản Đồng Lách với xã hội bên ngoài. Con đường “nguyên thủy” rộng chừng vài mét băng qua mấy dãy núi đá vôi, cứ liên tục nối tiếp hết con dốc này lại sang con dốc khác và những khúc cua tay áo hiểm trở. Trời nắng thì đất đá, bụi bặm, trời mưa thì trơn trượt, thế nhưng bà con bản Đồng Lách từ bao đời nay vẫn phải vượt qua con đường ấy…

Chúng tôi có mặt tại xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) từ rất sớm, nhưng do sương mù nên phải chừng 9h sáng mới bắt đầu di chuyển lên bản Đồng Lách. Bản nằm trong thung sâu, tách biệt với thế giới bên ngoài, cách trung tâm xã chừng gần 10km. Hiện nay, bản có 120 hộ với 529 nhân khẩu, 100% trong số đó là đồng bào dân tộc Thái. Cuộc sống của bà con ở đây còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu là tự cung tự cấp. Sau rất nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền để mang ánh sáng dòng điện đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa, đến năm 2017 bản Đồng Lách đã có điện. Nhưng còn con đường, đường về bản Đồng Lách vẫn còn đó như một lời thách thức lòng dũng cảm của những người muốn vượt nó.

Con đường độc đạo vào bản đồng lách
Con đường độc đạo vào bản đồng lách. (Ảnh: Ngọc Lâm)

Con đường chỉ chừng hơn 5km nhưng hẹp và đèo dốc hiểm trở vô cùng khó đi. Sau khi di chuyển qua khoảng hơn 50m đường bê tông trước căn biệt thự của nhà máy xi măng Công Thanh, dốc đá bắt đầu lộ ra hoang sơ, lởm chởm. Vượt qua chặng dốc khá dài, tôi mới có dịp quan sát con đường huyết mạch này. Quả thực là bất ngờ. Ngay đây thôi, thị xã Nghi Sơn- một khu kinh tế đang lên, ở một xã mà có thể nói là có khá nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư, thế mà lại tồn tại một con đường như bị bỏ quên trong rất nhiều con đường đang được nâng cấp cải tạo.

Được biết, gần đây, để tạo điều kiện cho bà con đi lại, UBND xã Tân Trường đã vận động người dân đóng góp kinh phí, cùng với kinh phí xã hỗ trợ san gạt đường, giảm bớt ổ voi, ổ gà, mở rộng lối đi cho bà con. Theo đó, mỗi hộ dân ở  bản Đồng Lách đã đóng góp 100 ngàn đồng, cùng với quỹ thôn và tiền hỗ trợ của xã, con đường đường vào bản Lách được cải thiện hơn đôi chút.

Tuy chỉ là một thôn, nhưng có vị trí địa lý đặc biệt, lại cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn nên đời sống sinh hoạt, giao thương, giao dịch của bà con ở đây cũng gặp rất nhiều vất vả, bất tiện, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục.

Hiện nay, ở bản Đồng Lách có một điểm trường lẻ dành cho các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Riêng đối với các cháu học sinh lớp 5, vừa mong muốn tạo điều kiện cho các cháu được tiếp cận với môi trường chung, vừa để đảm bảo về mặt cơ sở vật chất trong quá trình học tập, địa phương đã đưa các cháu cùng với các cháu học sinh cấp II về điểm trường chính để theo học. Trường chính cách bản cả chục km. Thực tế đó cũng là một thách thức đối với gia đình và bản thân các em.

Gian nan con đường đến trường của học sinh trên bản

Gian nan con đường đến trường của học sinh trên bản. (Ảnh: Ngọc Lâm)

Trao đổi về vấn đề này, Ông Lô Văn Sao - trưởng thôn Đồng Lách cho biết: Đa số trẻ em ở bản chỉ theo học được hết cấp II. Để ra được đến trường học, Đông cũng như Hè, mưa cũng như nắng, các cháu phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng rồi tự đi xe máy đi học. một số cháu nhỏ thì được bố (mẹ) đưa xuống chân núi, sau đó lấy xe đạp (gửi sẵn dưới núi) tự đạp đến trường.

Bên cạnh những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục của con em trong bản, bà con bản Đồng Lách còn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ và quyền lợi chăm sóc y tế. Ông Sao chia sẻ thêm: Vì đường sá đi lại quá khó khăn vất vả, nên mỗi lúc có việc nguy cấp, gọi xe rất khó, đặc biệt là vào ban đêm. Có những lúc không gọi được xe, bà con phải dùng võng khiêng người bệnh vượt 4- 5 km xuống núi mới gọi được xe đi bệnh viện. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tự cung tự cấp. Nghi Sơn phát triển, có nhiều việc làm nâng cao thu nhập, nhưng người  bản Lách không tham gia được, vì đường sá đi lại khó khăn. Nắng còn đỡ chứ mùa mưa thì không mấy ai dám vượt núi xuống xã… chúng tôi mong mỏi có một con đường để bà con đi lại cho đỡ vất vả.

Những chia sẻ đó càng rõ ràng hơn khi trên đường từ bản Lách ra lúc khoảng 12h trưa, chúng tôi gặp vài tốp học sinh đi học về. Các em còn rất nhỏ, chủ yếu là học sinh lớp 7 lớp 8, tự đi xe máy chở nhau. Trải nghiệm qua những con dốc cua tay áo, đá lởm chởm ngổn ngang mới thấy cảm phục và lo lắng cho các bạn nhỏ. Các em chưa đến tuổi để có thể tự điều khiển xe máy đến trường, và nó càng nguy hiểm hơn trước chặng đường hiểm trở này.

Ông Nguyễn Anh Hùng- Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết: Đây là con đường độc đạo vào thôn Đồng Lách, đường đi hiểm trở, khó khăn, nhưng đó cũng chỉ là đường liên thôn, mà kinh phí đầu tư để làm đường quá lớn, vượt quá tầm của địa phương, nên chúng tôi cũng đã báo cáo vấn để này trong các cuộc tiếp xúc Đại biểu HĐND tỉnh nhiều lần. Dù sau đó đã có các ban ngành liên quan về khảo sát, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp làm đường cho dân. Về phía địa phương cũng đã có làm dự toán và tờ trình, trình ra UBND thị xã Nghi Sơn để xin giải pháp hỗ trợ.

Heo hút giữa những cánh rừng là con đường về bản

Heo hút giữa những cánh rừng là con đường về bản. (Ảnh: Ngọc Lâm)

Trên thực tế, xã Tân trường nằm trong khu kinh tế Nghi Sơn với rất nhiều công trình, dự án lớn, nhà máy, xí nghiệp. Dù đây chỉ là một con đường liên thôn, nhưng nó là một sợi dây kết nối quan trọng, thực tế nhất giữa bà con Bản Lách với thế giới bên ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế và giáo dục. Bởi vậy cần có sự quan tâm hỗ trợ đúng mức của các cấp các nghành chức năng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tạo điều kiện để địa phương làm đường cho bà con, qua đó góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân trong bản.

Rời Đồng Lách vào tầm trưa, chặng phía trước như dài hơn trước những trăn trở của lãnh đạo và mong mỏi của bà con nơi đây về con đường. Mong mỏi đó dù đã rất lâu, dù đã rất dài nhưng vẫn chưa có được một phương án cụ thể nào để rút ngắn khoảng cách của giấc mơ về một con đường. Dù vậy, người Đồng Lách vẫn chưa bao giờ thôi hy vọng.

Ngọc Lâm