Thứ tư 05/02/2025 11:45
Hotline: 024.355.63.010
Email: banbientap.dnhn@gmail.com
Thương hiệu

Nhiều thách thức để trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ

18/10/2023 17:12
Nghị định 13 được cho ra đời cách đây 4 năm nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tuy nhiên, ghi nhận tại các hội thảo mang tính sơ kết gần đây cho thấy các DN vẫn gian nan trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi.

Ảnh minh họa
Nhân viên một công ty công nghệ đang tiếp cận khách hàng, giới thiệu sản phẩm. Ảnh minh họa: Vân Ly.

Không mặn mà việc trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, tháng 2-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận với những ưu đãi khuyến khích từ nghị định này.

Cung cấp thông tin tại hội thảo “Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ” được Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Hoàng Đức Thảo, chủ tịch hiệp hội này nhấn mạnh nghị định trên ra đời được kì vọng là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khoa học công nghệ với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng…

Tuy nhiên, ông Thảo cho biết trong quá trình thực thi nghị định này mang lại kết quả cho các doanh nghiệp còn rất hạn chế, rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nêu một số nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà đăng ký thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ông Thảo cho biết ngay từ khâu đầu tiên đăng ký trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tồn tại những quy định phức tạp và làm khó doanh nghiệp như: doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ khoa học và công nghệ. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ.

Trong khi đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định. Ví dụ, doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai nhưng quỹ đất trong khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế, cho nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Để doanh nghiệp nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn khi doanh nghiệp phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ khoa học và công nghệ.

Về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp khoa học và công nghệ có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem tài sản trí tuệ ra thế chấp vay vốn. Đặc biệt là vấn đề thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Những nhà khoa học tự bỏ tiền, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm khoa học và công nghệ cũng đóng thuế bằng người làm nghiên cứu dự án từ vốn Nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước…

Ông Thảo cũng cho hay Hiệp hội này đã khảo sát ý kiến đối với 167 doanh nghiệp thành viên. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các doanh nghiệp khoa học công nghệ không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13. Mới chỉ có 6 doanh nghiệp được ưu đãi theo Nghị định 13 với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỉ đồng. Trong khi đó, 18 doanh nghiệp chưa biết tiếp cận cơ chế ưu đãi như thế nào. Có doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm khoa học công nghệ không đủ tỉ lệ 30% để nhận ưu đãi. Có 141 doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi.

Trong khi đó, thống kê tính đến hết năm 2022, cả nước có 712 doanh nghiệp khoa học công nghệ được công nhận trên tổng số 3000 doanh nghiệp tiềm năng.

Theo phản ánh các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện chưa có cơ chế thiết thực để bảo hộ thị trường, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới. Cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ban hành chưa đồng bộ, tổ chức thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời.

Ngoài ra ông Thảo còn nêu ra những khó khăn mà các hội viên của hiệp hội ông gặp phải như: việc thương mại hóa sản phẩm ra thị trường của nhiều doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn, việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn hạn chế dẫn đến không đạt hiệu quả trong kinh doanh cao và việc tái đầu tư theo yêu cầu.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chính việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thật sự đồng bộ, dẫn đến việc phát triển khoa học công nghệ còn khiêm tốn. Các doanh nghiệp chưa xem trọng khoa học công nghệ là nền tảng cốt lỗi trong kinh doanh. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa có hướng đi đúng đắn. Trong khi đó, đổi mới sáng tạo sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tháo gỡ dần từng nút thắt chính sách

Trước thực trạng trên, ông Thảo kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo. Các tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng cường phối hợp với các sở địa phương tổ chức, tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định 13, để các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ nghị định này.

Thêm nữa Bộ Khoa học và Công nghệ cần xem xét trình Chính phủ xin chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách thiết thực của Nhà nước. Bộ cần tạo điều kiện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam được hợp tác, tiếp cận, tiếp nhận, thụ hưởng các nguồn lực khoa học công nghệ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ tại hội thảo gần đây, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed cũng chia sẻ khó khăn, vướng mắc lớn nhất là trong vấn đề thực hiện thương mại hoá sản phẩm. Như vấn đề công nhận giống cây trồng mới còn chậm trễ do thay đổi của Luật Trồng trọt. Ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ còn rất ít trong khi thủ tục còn nhiều và khó giải ngân; nguồn nhân lực phục vụ hoạt động khoa học công nghệ còn thiếu và yếu. Ông cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực.

Cũng kiến nghị chính sách tại cuộc hội thảo trên, bà Phan Thị Mỹ Yến, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết Hiệp hội này rất mong các cơ quan ban ngành phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam. Trong đó có chính sách ưu đãi, chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, cơ chế xét duyệt cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ… Từ đó khích lệ các doanh nghiệp xem khoa học công nghệ là nguồn động lực và tích cực đầu tư, nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm, công nghệ đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Hiệp hội cũng kỳ vọng các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nêu ý kiến, quan điểm, “gõ cửa” các bộ ngành nhằm kêu gọi sự hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến đầu tư nghiên cứu, chính sách phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Được biết, ngày 11-5-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, khẳng định vai trò của lĩnh vực này trong 10 năm tới là bước đột phá chiến lược, mang ý nghĩa quyết định tạo sự bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại cuộc hội thảo được tổ chức vào tháng 9 vừa qua, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nói về kế hoạch phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ năm 2023 – 2025. Ông Đích cho biết hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang lập đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ – dự kiến trình lên Chính Phủ, Quốc hội trong năm nay; nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Ông Đích cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ cụ thể và rõ ràng kèm theo cơ chế tài chính hỗ trợ. Đồng thời hỗ trợ kết nối các nhà khoa học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học côngg nghệ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ Quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.

Trong một diễn biến khác liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Dự thảo Nghị quyết này quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư lớn hoặc doanh thu cao. Doanh nghiệp đầu tư dự án có quy mô vốn lớn hoặc doanh thu cao sản xuất sản phẩm công nghệ cao và doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Các đối tượng doanh nghiệp áp dụng gồm: có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm; doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỉ đồng.

Dự thảo nêu rõ các hình thức hỗ trợ đầu tư gồm: hỗ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và hệ thống công trình hạ tầng xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.

Phương thức hỗ trợ đầu tư sẽ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước. Theo dự thảo, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành trong thời gian 5 năm, kể từ ngày 1-1-2024.

Vân Ly

Tin bài khác
Herbalife Việt Nam nhận giải thưởng "Sản phẩm Vàng vì sức khỏe cộng đồng" lần thứ 10 liên tiếp

Herbalife Việt Nam nhận giải thưởng "Sản phẩm Vàng vì sức khỏe cộng đồng" lần thứ 10 liên tiếp

Herbalife Việt Nam, một trong những tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực sức khỏe và thể chất, lần thứ 10 liên tiếp được vinh danh với giải thưởng danh giá “Sản phẩm Vàng vì sức khỏe cộng đồng” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) trao tặng.
Chinh phục thị trường quốc tế bằng câu chuyện văn hóa đặc sắc

Chinh phục thị trường quốc tế bằng câu chuyện văn hóa đặc sắc

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ về việc hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Việt Nam chinh phục khách hàng quốc tế bằng những câu chuyện riêng gắn với giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa.
Supe Lâm Thao: Xuất bán trên 1000 tấn sản phẩm trong ngày đầu Xuân

Supe Lâm Thao: Xuất bán trên 1000 tấn sản phẩm trong ngày đầu Xuân

Vừa qua, Công ty Cổ phần Supe Phốt Phát và Hóa Chất Lâm Thao đã tổ chức lễ ra quân xuất bán sản phẩm đầu năm (ngày 1/2/2025), đánh dấu cột mốc quan trọng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty trong năm mới.
Rạng Đông “thức giấc” từ ánh sáng công nghệ

Rạng Đông “thức giấc” từ ánh sáng công nghệ

Rạng Đông nhận định trong thời đại hiện nay, đổi mới sáng tạo là một trong những động lực then chốt để phát triển doanh nghiệp.
Make In Vietnam 2024 vinh danh LynkiD, biểu tượng của đổi mới và sáng tạo trong công nghệ số

Make In Vietnam 2024 vinh danh LynkiD, biểu tượng của đổi mới và sáng tạo trong công nghệ số

Giải thưởng Make In Vietnam 2024 đã chính thức gọi tên LynkiD – Nền tảng tích điểm đổi trải nghiệm cho Giải Vàng “Sản Phẩm Công Nghệ Tiềm Năng” và Top 10 Sản phẩm Công nghệ số.
Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Ocean Edu kỷ niệm 18 năm thành lập

Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Ocean Edu kỷ niệm 18 năm thành lập

"Lễ tổng kết năm 2024 và mừng sinh nhật Ocean Edu 18 tuổi” đã đánh dấu một cột mốc trưởng thành của Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Ocean Edu – Một trong những hệ thống giáo dục hàng đầu, nơi ươm mầm tri thức và nhân tài.
Xanh SM vượt Grab, dẫn đầu thị phần taxi công nghệ tại Việt Nam

Xanh SM vượt Grab, dẫn đầu thị phần taxi công nghệ tại Việt Nam

Theo báo cáo tổng hợp hàng năm về thị trường taxi tại Việt Nam của Mordor Intelligence, một trong những đơn vị lâu năm, uy tín toàn cầu về nghiên cứu thị trường công bố, Xanh SM đã vươn lên dẫn đầu thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam, chiếm 37,41% thị phần trong quý IV/2024.
Ngãi Cầu dẫn đầu ngành cơ khí xanh

Ngãi Cầu dẫn đầu ngành cơ khí xanh

Thành lập năm 2001 từ một nhà xưởng ban đầu rộng 300 m², đến nay Ngãi Cầu đã phát triển thành doanh nghiệp sở hữu nhà máy cơ khí 25.000 m² và nhà máy mạ kẽm nhúng nóng 16.000 m², được trang bị hệ thống máy móc, dây chuyền gia công cơ khí hiện đại, đồng bộ. Đây là bước ngoặt vô cùng lớn, khẳng định vị thế của Công ty Ngãi Cầu như một đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí xây dựng.
Robot và Điện Máy Xanh hợp tác đẩy mạnh phân phối máy lọc nước điện giải ion kiềm

Robot và Điện Máy Xanh hợp tác đẩy mạnh phân phối máy lọc nước điện giải ion kiềm

Vừa qua, thương hiệu Robot và Điện Máy Xanh đã tổ chức cuộc họp về “Chiến lược phát triển máy lọc nước điện giải ion kiềm năm 2025”. Cuộc họp nhấn mạnh cam kết của hai bên trong việc đưa sản phẩm máy lọc nước điện giải ion kiềm chất lượng cao, giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của gia đình Việt.
Yến sào Khánh Hòa: Kỳ vọng xuất khẩu đạt 10 triệu USD trong năm 2025

Yến sào Khánh Hòa: Kỳ vọng xuất khẩu đạt 10 triệu USD trong năm 2025

Công ty Yến sào Khánh Hòa khẳng định vị thế dẫn đầu khi vinh dự đứng trong “Top 10 Doanh nghiệp sáng tạo xuất sắc” trong năm 2024. Năm 2025, đặt mục tiêu đưa doanh thu tăng trưởng trên 15%., đặc biệt thị trường Trung Quốc, xuất khẩu đạt 10 triệu USD.
SeABank lãi trước thuế 6.039 tỷ đồng năm 2024

SeABank lãi trước thuế 6.039 tỷ đồng năm 2024

Kết thúc năm 2024, lợi nhuận trước thuế đạt 6.039 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2023, hoàn thành 103% kế hoạch; Tỷ lệ CASA lên tới 19,4% tổng huy động; Tăng trưởng tín dụng đạt 20,42%.
"The Ultimate Creators": Khởi Đầu Hành Trình Kiến Tạo Tương Lai Tại Dragon Ocean Đồ Sơn

"The Ultimate Creators": Khởi Đầu Hành Trình Kiến Tạo Tương Lai Tại Dragon Ocean Đồ Sơn

Vừa qua, sự kiện đặc biệt "The Ultimate Creators” đã được tổ chức thành công tại Dragon Ocean Đồ Sơn. Sự kiện quy tụ các nhà sáng lập tiên phong và đối tác chiến lược – những nhân tố đã không ngừng nỗ lực kiến tạo nên những giá trị đột phá cho siêu quần thể nổi duy nhất tại miền Bắc.
Người trẻ Việt ưu tiên lựa chọn xe máy điện, hướng tới lối sống xanh

Người trẻ Việt ưu tiên lựa chọn xe máy điện, hướng tới lối sống xanh

Người trẻ ngày nay coi chuyển đổi xanh là một lối sống văn minh, thể hiện qua những hành động cụ thể, từ việc chú ý đến các thói quen nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày đến những lựa chọn mang tính dài hạn, như ưu tiên sử dụng xe máy điện làm phương tiện di chuyển.
Thêm 28 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia

Thêm 28 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 79 sản phẩm mới được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia, cùng với 9 sản phẩm được tái công nhận.
Nước giặt xả GISA: Sạch bẩn, thơm ngát, an toàn, bảo vệ làn da

Nước giặt xả GISA: Sạch bẩn, thơm ngát, an toàn, bảo vệ làn da

Nước giặt xả GISA được sản xuất trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng cùng với giá thành bình dân. Đây là sự lựa chọn phù hợp giúp quần áo gia đình bạn sạch bẩn, thơm ngát suốt cả ngày.