Ngoài các doanh nghiệp truyền thống, trong 2 tháng đầu năm 2025, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo tăng nhanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở lĩnh vực này tăng nhanh là do:
Tháng 1.2025, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này chính thức có hiệu lực ngày 14.2. Theo quy định của Thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều này khiến cho số doanh nghiệp lĩnh vực Giáo dục và đào tạo thời điểm này tăng nhanh.
![]() |
Những tháng đầu năm 2025, Thanh Hóa đứng thứ 5 cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới |
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng... Doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng chiếm trên 95%; quy mô từ 10 tỉ đồng đến dưới 50 tỉ đồng chiếm trên 4%; quy mô trên 50 tỉ đồng chiếm 0,6%.
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2025, có 203 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2024. Có 18 trên 26 huyện, thị xã, thành phố có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2024. Còn 1 đơn vị là huyện Lang Chánh chưa có doanh nghiệp thành lập mới.
Năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 3.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, vốn điều lệ đăng ký đạt 22.092 tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 7,1 tỷ đồng/doanh nghiệp; trong đó: có 2.662 công ty trách nhiệm hữu hạn, chiếm 85,7%; 416 công ty cổ phần, chiếm 13,4%; 29 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 0,9%.
Cả 3 vùng trên địa bàn tỉnh này đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ; trong đó 2 vùng (ven biển và miền núi) có số doanh nghiệp thành lập mới vượt kế hoạch.
Theo thống kê, năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới tại Thanh Hoá tăng cả ở 17/17 nhóm ngành nghề đăng ký kinh doanh. Có 27/27 huyện, thị xã, thành phố có số doanh nghiệp thành lập mới bằng hoặc tăng so với cùng kỳ. Một số địa phương có số doanh nghiệp thành lập vượt chỉ tiêu hơn 150% như: Như Xuân, Thường Xuân, Thiệu Hóa, Nông Cống...
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên việc phát triển doanh nghiệp mới của tỉnh Thanh Hoá vẫn còn một số hạn chế như quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp phát triển bền vững thấp và mất cân đối về lĩnh vực, vùng miền; một số địa phương phát triển doanh nghiệp theo phong trào dẫn đến hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh chưa cao...