Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý tàu cá vi phạm |
Với bờ biển dài hơn 52km, Thái Bình sở hữu nguồn hải sản phong phú với tổng trữ lượng ước đạt khoảng 26.000 tấn, bao gồm khoảng 24.000-25.000 tấn cá, 600-1.000 tấn tôm, và 700-800 tấn mực. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản hàng năm của tỉnh đạt hơn 18.000 tấn.
Thái Bình còn có tiềm năng lớn trong nuôi trồng các loại thủy sản như tôm, cua, sò, nghêu tại khu vực cửa sông và ven biển. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng hệ thống đê bao rộng khoảng 4.000ha đầm mặn, lợ, trong đó 3.287ha là diện tích nuôi trồng hiệu quả, tạo điều kiện phát triển ngành thủy sản bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã tận dụng lợi thế tự nhiên để đẩy mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đạt hơn 15.600ha, bao gồm 3.550ha nước lợ, 3.169ha nước mặn và 8.939ha nước ngọt.
Năm 2024, Thái Bình đặt mục tiêu tăng trưởng 3,2% trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, với giá trị sản xuất dự kiến đạt khoảng 6.132,6 tỷ đồng. Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 397.000 tấn, trong đó khai thác chiếm 104.000 tấn và nuôi trồng ước đạt 193.000 tấn.
Trước tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Thái Bình đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ nhằm bảo vệ tài nguyên biển, hướng tới phát triển bền vững. Các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện ven biển đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt để xóa bỏ tình trạng tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác của tàu cá trên địa bàn.
Nhằm ngăn chặn khai thác IUU, các lực lượng chức năng Thái Bình đã liên tục tuần tra, kiểm tra tại các cảng cá và khu vực biển. Nhiều vi phạm đã bị phát hiện và xử lý, bao gồm việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), hoạt động sai tuyến, sử dụng và tàng trữ công cụ kích điện, cũng như vi phạm về văn bằng, chứng chỉ khai thác. Những tàu cá không đủ điều kiện đều bị xử phạt nghiêm minh, tạo sức răn đe, yêu cầu ngư dân tuân thủ quy định.
Tại cảng cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải, bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý tàu cá vi phạm. Các tàu không đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn theo quy định đều không được xuất bến. Chính quyền huyện Tiền Hải cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã ven biển tập trung kiểm tra, ngăn chặn tàu cá hoạt động sai tuyến, ngắt kết nối thiết bị giám sát. Đồng thời, chính quyền địa phương còn tăng cường trao đổi, lắng nghe kiến nghị từ ngư dân để hỗ trợ, tạo điều kiện cho những tàu cá đủ điều kiện hoạt động hợp pháp.
Chi cục Thủy sản Thái Bình cho biết trong thời gian qua, đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn và lực lượng biên phòng nhằm thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho 35 trong tổng số 38 tàu cá có chiều dài từ 6 - 12 mét. Với những tàu cá không đủ điều kiện do hư hỏng hoặc không sử dụng, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục đôn đốc chủ tàu hoàn tất thủ tục đăng ký. Đồng thời, để kiểm soát và quản lý chặt chẽ, các tàu cá chưa được cấp phép đều phải neo đậu riêng tại cảng và bị giám sát nghiêm ngặt, không được phép ra khơi khai thác khi chưa đủ thủ tục.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình nhấn mạnh rằng công tác chống khai thác IUU cần sự quyết tâm chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá vi phạm. Tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị duy trì tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương để quản lý hiệu quả các tàu cá. Các xã ven biển đều được phổ biến đầy đủ về nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn cấp bách này, với mục tiêu chung là khắc phục tình trạng “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế biển địa phương.