Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS 2019) với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ: Cơ hội kinh doanh đang chia đều cho tất cả doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Nhưng tối ưu hóa các cơ hội này sẽ không chỉ là trách nhiệm của DN, mà cần có thể chế kinh tế minh bạch và công bằng, một đội ngũ cán bộ công chức tận tâm, phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Coi trọng phát triển DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ để tạo thế “sâu rễ, bền gốc” cho nền kinh tế.
“Nóng ruột” với cơ hội từ cải cách
Theo Khảo sát Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) của PwC, nhiều DN tại Việt Nam kỳ vọng CMCN 4.0 sẽ mang lại những lợi ích đáng kể, như hiệu quả hoạt động cao hơn và khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn nhờ vào số hóa và tự động hóa.
Phần lớn các lãnh đạo DN, chuyên gia tại VBS 2019 cũng chia sẻ quan điểm tích cực này và cho rằng Chính phủ hãy đặt DN vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia.
Đánh giá về cơ hội của Việt Nam trong kỷ nguyên số, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu dẫn chứng Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 của Bộ Chính trị được ban hành cuối tháng 9 vừa qua và thứ hạng mới của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 năm 2019 mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới công bố.
“Một cuộc cách mạng về thể chế đã được nhắc tới trong Nghị quyết 52. Đây là điều mà giới đầu tư, kinh doanh tin rằng sẽ có thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong cơ chế, chính sách thời gian ngắn tới đây. Sự lừng khừng, ngần ngừ sẽ không còn trong tư duy quản lý nhà nước sẽ thúc đẩy DN cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững và chuyển đổi số. Đây là cơ sở để thu hút dòng đầu tư nước ngoài mới cho nền kinh tế”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, ông Truong Vincent Kinh - Chủ tịch, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World, cũng thẳng thắn đánh giá DN và các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào nỗ lực tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, DN.
“Chúng tôi cần hệ thống thông tin với cơ sở dữ liệu luôn cập nhật đầy đủ và công bố công khai về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; về chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; về các kế hoạch, chương trình, dự án hoạt động của Nhà nước, trừ những chương trình, dự án bí mật quốc gia”, ông Truong nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng thừa nhận chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi DN áp dụng công nghệ mới sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Do đó, đây là thời điểm Việt Nam cần có sự chuyển đổi về chiến lược để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để DN Việt bứt phá |
Doanh nghiệp phải “hấp thụ” công nghệ
Tuy nhiên, để hấp thụ được những chính sách mới của Chính phủ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng DN nhỏ và vừa Việt Nam cần tập trung đổi mới, hấp thụ công nghệ, trong đó đặc biệt các DN cần chú trọng vào đổi mới quy trình quản lý. Bởi với công nghệ mới cập nhật mà không đổi mới hệ thống quản lý, DN sẽ không thể tận dụng hiệu quả công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới, không nâng cao năng suất lao động của DN.
Hiện nay, phần lớn DN Việt Nam thuần túy vẫn ở mức đổi mới công nghệ, tức là DN mới chỉ dừng ở mức mua toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị mới.
Đồng quan điểm, ông Võ Tấn Long - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn công nghệ thông tin, công ty Tư vấn PwC Việt Nam, cho rằng việc áp dụng các công nghệ mới là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả là các lãnh đạo DN cần coi chuyển đổi kỹ thuật số là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển chung của DN.
Ở một góc nhìn khác, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng giám đốc PwC Việt Nam, nhấn mạnh tới cách tiếp cận toàn diện khi chuyển đổi DN cho thời đại kỹ thuật số. Các DN cần tạo điều kiện cho người lao động trở thành động lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Theo khảo sát do PwC mới thực hiện với hơn 22.000 người lao động tại 11 quốc gia, đa số những người được khảo sát (61%) nhìn nhận tích cực về các tác động của công nghệ lên công việc hàng ngày của họ. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 trong số những người được hỏi cho biết đang nhận được cơ hội để phát triển các kỹ năng kỹ thuật số bên ngoài khuôn khổ các công việc hàng ngày.
Tổng giám đốc PwC nhận định nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự hiện tại là một nhiệm vụ cần thiết. Các DN nên trao cho người lao động cơ hội để trang bị các kiến thức, kỹ năng và công cụ giúp họ nắm bắt được các công nghệ tiên tiến và các xu hướng luôn đổi thay.
“Con người có khả năng thích nghi cao trong môi trường phù hợp. Do vậy, các DN nên tìm cách tạo điều kiện và khai thác được khả năng thích nghi đó một cách hiệu quả nhất”, bà Vân nhấn mạnh.
Bên cạnh yếu tố công nghệ và nhân lực thì năng lực quản trị tiếp tục là một trụ cột thiết yếu cho sự phát triển bền vững của các DN trong nền kinh tế hiện tại cũng như nền kinh tế số mà Việt Nam đang hướng tới trong tương lai gần. Theo Tổng giám đốc PwC Việt Nam, quản trị là một mắt xích yếu, đòi hỏi các DN Việt Nam cần quan tâm một cách sâu sắc hơn trong thời gian tới.
“Yêu cầu quản trị công ty theo thông lệ tốt đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi mà thế giới đang thay đổi nhanh chóng và các mối đe dọa an ninh mạng và bất ổn chính sách đang gia tăng. Trong bối cảnh đó, các DN có khả năng đảm bảo lợi ích tối đa cho các bên có quyền lợi liên quan sẽ là những DN gặt hái được ưu thế về tính cạnh tranh và uy tín, qua đó tiếp cận được nhiều cơ hội kinh doanh hơn”, bà Vân chia sẻ.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam: Việt Nam đã rất sẵn sàng với CMCN 4.0. quan trọng nhất là phải xác định thời cơ đang đến và sẽ qua đi nếu không kịp nắm bắt, nên cần nỗ lực nhanh nhất để tiến tới. Việt Nam đang rất nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh để phù hợp với xu thế mới và thực tế đã có những bước tăng trưởng rất mạnh như: giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hiện đạt trên 480 tỷ USD, gần gấp đôi GDP. Việt Nam thu hút được nhiều DN lớn trên thế giới, có nền tảng công nghệ vững mạnh. Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn May Hồ Gươm - Phí Ngọc Trịnh: Chủ yếu các DN vẫn tự mở các lớp đào tạo nhân lực sau khi tuyển dụng để phù hợp với yêu cầu riêng của từng DN. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân về tiêu chuẩn DN đặt ra rất khắt khe, một phần cũng do tiêu chuẩn giáo viên được Nhà nước quy định như phải có các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định… Đây là khó khăn cho DN khi muốn tham gia trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho mình. Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - Vũ Văn San: Việc quản lý mở ngành đào tạo ở Việt Nam hiện nay còn cứng nhắc, các danh mục mã ngành cố định chậm cập nhật; các quy định cứng về giảng viên đúng ngành/ chuyên ngành... phần nào làm chậm việc kịp thời mở các ngành nghề mới, làm các DN tham gia việc giảng dạy còn hạn chế. Vì vậy, Nhà nước có thể xem xét có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi một cách cụ thể đối với DN khi tham gia hoạt động hợp tác với trường đại học cũng như tham gia hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên. Hoàng Hà |