Ảnh minh họa.
Vượt qua 4 startup khác: TripHunter, Liberzy, Tez và Sphacy trong đêm chung kết Gala Startup Việt 2019 diễn ra vào ngày 2/12 tại TP HCM, dự án startup Viec.Co đã giành ngôi quán quân thuyết phục.
Viec.Co là sản phẩm của startup công nghệ của CTCP Việc Có, hoạt động trong lĩnh vực thương mại việc làm cho các lao động tự do. Sau một năm vận hành, doanh nghiệp tăng trưởng 30% một tháng, trên 40.000 người đăng ký, 10.000 người sẵn sàng làm việc, 30 khách hàng trả tiền.
Phan Xuân Cảnh, sáng lập Viec.Co, từng làm việc cho Tiki và nhận ra tiềm năng của thị trường kết nối người và việc. Nền tảng này mang đến trải nghiệm chỉ cần chạm là có người, có nguồn lực để làm việc cho bạn. Qua đó nhà tuyển dụng có công cụ đánh giá, tuyển chọn người với chi phí thấp nhất, thủ tục đơn giản nhất. Viec.Co hiện đã gắn API vào hệ sinh thái Momo để cung cấp giải pháp trả thù lao qua ví điện tử thuận tiện, đơn giản. Startup hướng đến nguyên tắc hoạt động đơn giản - thuận tiện - tức thời.
Phan Xuân Cảnh, đại diện Viec.Co nhận giải Quán quân Startup Việt 2019 do VnExpress tổ chức.
Phan Xuân Cảnh phát triển mô hình kinh doanh lấy 15-20% phí qua doanh nghiệp. Mọi thứ được tự động qua hệ thống tính chi phí qua thời gian thực. Việt Nam có 55 triệu lao động với khoảng 37% trong đó là làm việc tự do, ước tính thị trường có quy mô 2 tỷ USD.
Về thị trường, Viec.Co tập trung thành thị với tập khách hàng mục tiêu khoảng 10 triệu người, giá trị khoảng 2 tỷ USD, doanh thu ước tính 300-400 triệu USD. Ở khu vực Đông Nam Á có khoảng 100 triệu người làm việc tự do và giá trị thị trường khoảng 10 tỷ USD.
Đội ngũ Viec.Co có nhiều kinh nghiệm làm việc ở các startup công nghệ như Tiki, giám đốc vận hành của GHN... Đồng sáng lập là người đam mê công nghệ, từng nắm vai trò trọng yếu của Tiki hay Vexere.
Trả lời câu hỏi từ phía ban giám khảo là ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HĐQT GIBC, làm sao có cơ sở để đảm bảo lượng khách hàng quay trở lại, đại diện Việc Có cho biết qua quá trình hoạt động thực tế, khách hàng doanh nghiệp khác với khách hàng tiêu dùng, thường chỉ sử dụng dịch vụ một lần chứ không quay lại. Vì vậy công ty định hướng tập trung vào chăm sóc một số doanh nghiệp lớn, biến họ thành khách hàng trung thành.
Nhà đầu tư Nguyễn Việt Đức đã quyết định đầu tư khi được đại diện Viec.Co trả lời câu hỏi sau 2-3 năm nữa, mô hình sẽ thay đổi như thế nào? Dịch vụ này có khá nhiều lĩnh vực, startup có tập trung vào lĩnh vực nào không?
Đại diện Việc Có cho biết sẽ chú trọng đi sâu vào dữ liệu và ghi nhận hành vi cùng giá trị khách hàng mang lại. Khi có dữ liệu đó và phân tích, ứng dụng thì sẽ triển khai nhiều hướng.
Với 4 mô hình startup còn lại: TripHunter là công cụ xây dựng lịch trình du lịch phát triển trên nền tảng ứng dụng và web. Công cụ sẽ tạo lịch trình tự động, người dùng có thể tự điều chỉnh kế hoạch dựa trên lịch trình đã tạo. Ứng dụng còn giúp người dùng so sánh giá giữa các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent - OTA). Người dùng có thể đặt và quản lý tất cả dịch vụ như mua vé máy bay, đặt khách sạn, vé tham quan... trên cùng một ứng dụng.
Tiếp đó startup thư viện trực tuyến Tez về nền tảng giáo dục cung cấp hệ thống bài giảng, tài liệu học trực tuyến một cách đầy đủ cho người dạy và người học tất cả các cấp với mong muốn tạo ra một "mạng xã hội" kết nối học sinh - giáo viên và toàn cộng đồng để chia sẻ kiến thức dễ dàng, thuận tiện và rộng mở hơn.