Người dân đồng thuận, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới
Cũng theo ông Huy, các hộ dân thuộc xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên phần đa là người dân tộc thiểu số bao năm vất vả, như được đổi đời trong các ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, lại có đất trồng trọt, chăn nuôi cùng số vốn gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc đầu tư phát triển nghề phụ để ổn định cuộc sống tại Khu tái định cư (các hộ dân bị thu hồi nhiều đất ở và đất canh tác được Nhà nước cấp cho 300 m2 đất ở và 700 m2 đất trồng cấy rau màu- PV). Đặc biệt, hệ thống điện, đường, trường, trạm Khu tái định cư được xây dựng đồng bộ, thuận lợi cho sinh hoạt, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao.
Đúng như lời ông Huy, theo chân chị Hiền, cán bộ Địa chính xã Cam Cọn đến các Phân khu tái định cư Dự án Cảng Hàng không Sa Pa vào trung tuần tháng 11/2023, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng trăm ngôi nhà được thiết kế hiện đại đã xây dựng xong, bừng sáng sắc sơn và người dân đã đến ở cùng nhiều ngôi nhà khác đang được gấp rút xây dựng. Chị Hiền cho biết, trong thời gian UBND huyện Bảo Yên triển khai “Chiến dịch 60 ngày hỗ trợ các hộ dân trong vùng dự án đến nơi ở mới” (từ tháng 7- tháng 8/2023), đêm đèn điện sáng trưng, người xe vận chuyển đồ tấp lập, nơi đây như một đại công trường đang gấp rút hoàn thiện tiến độ.
Ghé thăm và trò chuyện với một số hộ dân tại Khu tái định cư, ai nấy đều bày tỏ niềm vui khi địa phương có dự án lớn được xây dựng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, dù còn có băn khoăn về nơi ở mới sẽ không còn đất nông nghiệp để sản xuất nhưng họ đều đồng thuận với chủ trương của Nhà nước, nhanh chóng bàn giao mặt bằng, nhận tiền bồi thường để sớm ổn định cuộc sống. Khu tái định cư Dự án Cảng Hàng không Sa Pa đang bừng lên sức sống mới.
“Tôi là một trong những người đầu tiên bàn giao mặt bằng cho chính quyền để ra Khu tái định cư. Gia đình tôi được bồi thường hơn 2 tỷ đồng, xây nhà hết 1 tỷ đồng, cho con cái một ít, còn lại gửi tiết kiệm ngân hàng. Là một đảng viên nên tôi xác định phải gương mẫu để làm gương. Tôi cũng tuyên truyền, vận động các hộ dân khác thực hiện và chấp hành chủ trương của Nhà nước xây dựng Dự án Cảng Hàng không, sớm bàn giao mặt bằng, nhận tiền bồi thường, xây dựng nhà mới tại Khu tái định cư để ổn định cuộc sống. So với nơi ở cũ, cuộc sống ở Khu tái định cư tốt hơn nhiều, ngoài việc có nhà mới khang trang thì việc đi lại thuận tiện, môi trường sạch sẽ, đời sống tinh thần được nâng cao… Bà con đi tái định cư, ai ai cũng phấn khởi”, bà Trịnh Thị Hào, 74 tuổi cho biết.
Ông Hoàng Văn Vân, 58 tuổi (dân tộc Tày) thuộc diện tái định cư tại chỗ, được bồi thường 2,5 tỷ đồng khi bị thu hồi đất phục vụ dự án. Ồng dành 1,5 tỷ đồng xây dựng 2 ngôi nhà liền nhau (1 nhà cho vợ chồng người con trai) với tổng mặt tiền 16,5 m. Ông Vân bảo: Được chính quyền xã tuyên truyền về chủ trương thu hồi đất, gia đình tôi ủng hộ và bàn giao mặt bằng ngay. Bao năm làm lụng vất vả, cuộc sống gia đình vẫn khó khăn, chưa bao giờ tôi nghĩ có thể xây được ngôi nhà mới. Nay nhờ có dự án triển khai xây dựng ở địa phương, gia đình tôi như được đổi đời, cả bố và con đều có nhà mới rộng rãi, khang trang, lại có vốn gửi tiết kiệm và đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Với tôi như thế là quá mãn nguyện.
Còn ông Bàn Văn Dào, 55 tuổi (dân tộc Dao) được bồi thường thu hồi đất hơn 3 tỷ đồng. Ông Dào dự kiến xây dựng nhà mới hết gần 1 tỷ (đang hoàn thiện), còn lại gửi tiết kiệm ngân hàng. Trong câu chuyện với chúng tôi, dù rất vui khi có nhà mới, môi trường sống được cải thiện, nhất là không phải lo tình trạng sạt lở đất đe dọa như ở nơi ở cũ, ông Dào cũng đang tính toán xem thời gian tới sẽ học nghề gì để duy trì cuộc sống.
“Khi Nhà nước thu hồi đất, chúng tôi rất đồng thuận và được bồi thường thỏa đáng. Tuy nhiên, khi không còn đất để sản xuất nông nghiệp, nếu không có việc làm ổn định thì tiền ăn mãi cũng hết. Tôi đang tính đi học nghề sửa chữa điện nước vì khi người dân xây dựng nhà cửa nhiều, sẽ có nhiều việc liên quan đến điện nước. Mình phải thay đổi để thích nghi với môi trường sống mới…”, ông Dào chia sẻ.
Chính quyền đồng hành với quyền lợi, đời sống của người dân
Dự án Cảng Hàng không Sa Pa là dự án trọng điểm của tỉnh Lào Cai được triển khai xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sử dụng khoảng 371 ha quỹ đất có ảnh hưởng tới 4.488 khẩu và hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Việc triển khai thành công dự án, bên cạnh chủ trương công khai, dân chủ, công bằng, minh bạch, khách quan là sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương nơi có dự án.
Ông Hồ Viết Hùng- Chủ tịch UBND xã Cam Cọn cho biết, người dân Cam Cọn trước đây đồng thuận di chuyển nhà cửa, tài sản, hoa màu để phục vụ xây dựng tuyến đường cao tốc, nay lại tiếp tục một cuộc chuyển cư mới để phục vụ xây dựng một trong những dự án quan trọng bậc nhất của tỉnh từ trước đến nay, đó là Cảng Hàng không Sa Pa. Toàn xã Cam Cọn có hơn 600 hộ trong diện phải di chuyển để phục vụ thi công các hạng mục của dự án. Đến thời điểm hiện tại, 99 % số hộ dân đã bàn giao đất, chỉ còn 1hộ chưa bàn giao vì liên quan đến tranh chấp sử dụng đất (Tòa án đã thụ lý) và 1 hộ liên quan đến khai nhận di sản, chia thừa kế. UBND xã cũng nhận được đơn thư thắc mắc của một số hộ dân liên quan đến diện tích đất tái định cư và suất ăn theo; kiến nghị cấp tái định cư cho các hộ dân làm nhà trên đất nông nghiệp, làm nhà trên đất nông nghiệp của người khác, hoặc có gia đình trước khi GPMB đã bán đất cho người khác bằng giấy tờ viết tay nhưng vẫn yêu cầu xét tái định cư... Chúng tôi đang xác minh, tham mưu cho UBND huyện giải quyết và trả lời người dân.
“Để có được sự đồng thuận của người dân thì công tác vận động, tuyên truyền của chính quyền và các tổ chức đoàn thể của xã để người dân hiểu và nắm được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước rất quan trọng. Trong các buổi họp thôn, đặc biệt là họp các thôn trong vùng GPMB, UBND xã đã mời đại diện Phòng TNMT huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất đến dự để tuyên truyền, vận động và giải đáp thắc mắc của bà con. Những khó khăn, vướng mắc trong GPMB tại xã đều do yếu tố lịch sử để lại dẫn đến nhầm lẫn diện tích, cùng đó là việc người dân xây dựng vật kiến trúc hay làm nhà không đúng với đất Nhà nước giao, hoặc khi mua bán đất không sang tên đổi chủ. Do vậy, trước khi kiểm đếm để thu hồi đất, UBND xã đã tiến hành đo thực địa và bồi thường theo thực địa chứ không bồi thường theo diện tích sổ đỏ. Nếu bồi thường theo sổ đỏ sẽ không chính xác vì 1 sổ đỏ có thể có 4-5 nhà ở. Khi đo thực địa xong sẽ đối chiếu theo sổ nếu trong 1 sổ có 4- 5 nhà thì người chủ sổ có trách nhiệm chi trả cho các hộ khác. Với các hộ dân bị kiểm đếm còn thiếu sót, UBND xã đã bổ sung đảm bảo quyền lợi cho người dân và tránh tình trạng trục lợi”, ông Hồ Viết Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, bà con Cam Cọn sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông, lâm nghiệp. Việc tạo sinh kế cho người dân sau khi thu hồi đất, cũng là một bài toán đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần sớm tìm lời giải. UBND xã Cam Cọn đã chủ động liên hệ với các trường dạy nghề trong tỉnh, vận động người dân cho con em mình đi học nghề tạo việc làm sau tái định cư. Đến nay, xã phối hợp đào tạo 2 lớp nghề thêu thổ cẩm cho bà con dân tộc Dao với 70 người theo học.
“Người dân khi được bồi thường sẽ có nhiều tiền nhưng không có nghề sẽ không ổn định cuộc sống lâu dài. Bản thân tôi cũng khuyên và vận động người dân khi nhận tiền bồi thường chỉ nên xây nhà vừa phải, đủ diện tích để ở. Số tiền còn lại nên gửi tiết kiệm ngân hàng để làm kế sinh nhai. Chính quyền xã đã mời các ngân hàng đến trụ sở UBND xã để người dân lựa chọn các ngân hàng có nhiều ưu đãi khi gửi tiền. Vì vậy, hầu hết bà con ở Cam Cọn, giờ nhà ít cũng có vài trăm triệu, nhà nhiều có hàng tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã thời gian qua rất ổn định, người dân thì phấn khởi yên tâm chuyển về nơi ở mới”, ông Hùng cho biết.
Dự án Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư theo hình thức PPP (Đối tác công tư), tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đồng thời bảo đảm tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; bảo đảm quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Bắc nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải. Dự án hoàn thành sẽ là bước đột phá lớn về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Lào Cai và khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, là một lực đẩy mạnh mẽ để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Trí Kiên- Ngọc Lợi. Ảnh Thành Công