![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Tờ trình tóm tắt Luật sửa 7 luật tài chính và đầu tư |
Tại phiên họp sáng 17/5 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa 7 luật).
Mục tiêu của đợt sửa đổi toàn diện này là tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý, tạo hành lang thuận lợi để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thực tiễn thi hành các luật hiện hành đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập trước những chuyển biến nhanh của tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu mới trong điều hành phát triển. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá, Chính phủ xác định cần sửa đổi đồng bộ bảy luật nhằm hỗ trợ cải cách bộ máy hành chính địa phương, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy các lĩnh vực mũi nhọn như khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, Luật Đấu thầu được sửa đổi theo hướng tăng cường quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học – công nghệ khi lựa chọn nhà thầu. Quy định ưu đãi cũng được điều chỉnh theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thông qua cơ chế cộng điểm, cộng tiền hoặc ưu tiên trong đánh giá năng lực.
Một điểm đáng chú ý là dự thảo mở rộng thẩm quyền tự quyết trong lựa chọn nhà thầu cho doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập khi sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, với điều kiện tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình rõ ràng.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư trong những trường hợp đặc biệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng, cấp bách hoặc mang tính đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ.
Đối với Luật PPP, Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với các dự án nâng cấp, mở rộng công trình hiện có – điều trước đây chưa được quy định rõ. Đặc biệt, dự thảo đưa ra cơ chế xử lý đối với các dự án khoa học – công nghệ có doanh thu thấp hơn 50% so với kỳ vọng, bao gồm cả việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và điều chỉnh cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu theo hướng linh hoạt.
Cũng trong Luật PPP, các trường hợp chỉ định nhà đầu tư được mở rộng, áp dụng cho những dự án do nhà đầu tư đề xuất và sở hữu công nghệ chiến lược; dự án hạ tầng số mà nhà đầu tư từng thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối; và đặc biệt là các dự án PPP trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Luật Hải quan cũng được điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn, thông qua việc nới lỏng điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên và đơn giản hóa thủ tục hải quan với hàng xuất khẩu tại chỗ.
Về thuế xuất khẩu – nhập khẩu, Chính phủ kiến nghị mở rộng đối tượng miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Danh mục miễn thuế bao gồm máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng chuyên dùng, cũng như nguyên liệu nhập khẩu chưa thể sản xuất trong nước để sản xuất sản phẩm công nghệ số.
Luật Đầu tư cũng được bổ sung chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số, như trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng điện toán đám mây, mạng di động 5G trở lên. Đồng thời, khu công nghệ số tập trung cũng được đưa vào danh mục địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư, góp phần thu hút dòng vốn chất lượng cao.
Với Luật Đầu tư công, Chính phủ bổ sung quy định cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Chính phủ. Quy trình chuẩn bị giải phóng mặt bằng cũng được đưa vào danh mục nhiệm vụ được cấp vốn, tạo cơ sở pháp lý để triển khai nhanh và đồng bộ.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất tăng hạn mức vốn cho phép các bộ, ngành, địa phương chủ động thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư lên gấp đôi so với kế hoạch đầu tư công hiện tại, nhằm khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án”.
Trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, phạm vi điều chỉnh được mở rộng để bao gồm cả tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học – công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Việc quản lý, khai thác tài sản này sẽ được áp dụng theo các luật chuyên ngành về khoa học, công nghệ và sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp số tiền thu từ khai thác tài sản không đủ để chi trả chi phí vận hành, ngân sách nhà nước sẽ được sử dụng để hỗ trợ phần thiếu hụt.