Sự thấu cảm: Phẩm chất cần có của nhà quản lý thời đại mới

17:29 24/10/2022

Sự thấu cảm giúp người quản lý hiểu được những thử thách mà mọi người trong nhóm đang phải đối mặt và đưa ra các giải pháp hữu hình, tập trung vào con người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Một số tổ chức đã nhận ra rằng, chìa khóa cho sự thành công của doanh nghiệp nằm ở tinh thần vui vẻ, hạnh phúc của nhân viên.

Do đó, khi nhiều doanh nghiệp đang dần chuyển sang chiến lược: đặt nhân viên làm trung tâm, chúng ta nhận thấy những sự thay đổi về kỹ năng và chính sách nhằm đạt được mục đích làm hài lòng cả khách hàng và nhân viên.

Điều quan trọng nhất để cải thiện sự hài lòng của nhân viên liên quan đến kỹ năng quản lý. Sự thấu cảm, thấu hiểu là một trong số đó. Sự thấu cảm giúp người quản lý hiểu được những thử thách mà mọi người trong nhóm đang phải đối mặt và đưa ra các giải pháp hữu hình, tập trung vào con người.

Tại sao sự thấu cảm khi làm lãnh đạo lại quan trọng?

Nghệ thuật lãnh đạo không phải chỉ bàn đến chuyên môn, sự uy tín trên thương trường, sự nhanh nhạy trong đàm phán… mà nên kể đến khả năng thấu cảm, hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của cấp dưới.

Điều này không có nghĩa rằng bạn phải đồng ý với quan điểm của họ mà là bạn sẵn sàng hiểu và nhận thức sâu sắc về điều đó. Vậy tại sao sự thấu cảm được xem là một kỹ năng then chốt đối với một nhà lãnh đạo thành công?

Giúp giữ chân nhân tài

Một trong những khó khăn mà tất cả các tổ chức phải đối mặt là giữ chân nhân viên tài năng, và lí do được cho là phổ biến nhất cho sự ra đi của họ là sự thiếu tin tưởng và đánh giá cao từ cấp trên. Sự thấu cảm sẽ làm tăng niềm tin, tạo cảm giác nhân viên được coi trọng và quan tâm hơn. Cho dù trong các mối quan hệ cá nhân hay là một thành viên của tổ chức, họ cũng sẽ có nhiều khả năng gắn bó hơn khi cảm thấy được lắng nghe, đánh giá cao và được chú ý đến. Do đó, những người sếp có khả năng thấu cảm cao sẽ chiếm được tình cảm của nhân viên và tạo ảnh hưởng không nhỏ đến việc ở lại của họ.

Tăng động lực làm việc

Bạn có bao giờ nhận thấy khi ai đó nói rằng họ đánh giá cao việc mà bạn đã làm cho họ, bạn sẽ bị thôi thúc muốn đóng góp nhiều hơn cho họ không? Đối với việc quản lý nhân viên cũng vậy, nếu cấp trên thể hiện sự ghi nhận với những cố gắng nhân viên đã bỏ ra, chắc chắn rằng họ sẽ muốn nỗ lực nhiều hơn nữa. Các tổ chức thành công nhận thức rất tốt vấn đề này và các nhà quản lý của họ liên tục tìm cách để thể hiện sự cảm kích đối với nhân viên dưới quyền.

Nâng cao tinh thần đồng đội

Nếu được cấp trên quan tâm, đánh giá cao những nỗ lực thì nhân viên cấp dưới cũng có xu hướng đối xử như thế với đồng nghiệp của mình. Khi sự thấu hiểu từ cấp trên được lan tỏa, nó sẽ được truyền đến toàn bộ tổ chức giúp nâng cao tinh thần đồng đội, giảm xung đột nhân viên, giảm chia rẽ nội bộ. Sự đoàn kết này sẽ giúp nhân viên phối hợp ăn ý hơn và mang lại hiệu suất làm việc cao hơn.

Tạo ra các ý tưởng sáng tạo

Những người có nhận thức họ là một phần của tổ chức và được đánh giá cao sẽ luôn tìm cách để tăng thêm giá trị cho tổ chức. Họ “chịu” đầu tư thời gian và năng lượng vào những ý tưởng, quy trình và phương pháp để cải thiện công việc của mình và đưa tổ chức tiến lên phía trước. Sự gắn bó đối với tổ chức khiến họ cảm thấy rằng sự thành công của họ và sự thành công của tổ chức có liên quan mật thiết với nhau, thúc đẩy họ tìm ra những cách làm việc mới và tốt nhất có thể.

Được người khác nể trọng

Như đã nói, một người có khả năng thấu cảm là người biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, để nhìn nhận toàn diện một vấn đề. Vậy nên đặt ví dụ khi nhân viên mắc lỗi, một người sếp thông minh sẽ đặt họ vào tình huống đó để xem xét và đánh giá. Khi sự cố diễn ra theo chiều hướng không ai mong muốn thì sự thông cảm, lòng trắc ẩn và sự tha thứ có thể sẽ được dùng đến.

Lẽ dĩ nhiên, những nhà lãnh đạo luôn “thấu tình đạt lý” như thế này sẽ được lòng nhân viên lẫn khách hàng, đối tác.

Sự thấu cảm giúp người quản lý hiểu được những thử thách mà mọi người trong nhóm đang phải đối mặt
Sự thấu cảm giúp người quản lý hiểu được những thử thách mà mọi người trong nhóm đang phải đối mặt.

Phát triển kỹ năng thấu cảm như thế nào?

Để phát triển năng lực thấu cảm, quan trọng nhất là vượt qua rào cản về nhận thức. Sự thấu cảm cần bắt nguồn từ sự tử tế, bằng sự thực tâm mong muốn san sẻ, giúp đỡ, bằng sự ấm áp chân thành giữa con người với con người. Ngoài ra dưới đây là một số gợi ý để các nhà quản lý có thể tham khảo:

Tự soi chiếu để gạt bỏ những định kiến

Tất cả chúng ta đều dễ bị ảnh hưởng bởi những định kiến có sẵn trong đầu mình. Vì vậy, đứng trước một tình huống mà bạn cảm tưởng mình không thể thấu cảm được với đối phương, hãy cho bản thân một khoảng dừng để tự soi chiếu, cố gắng đánh giá lại sự việc một cách khách quan hơn. Tự đặt câu hỏi, liệu đâu là lý do khiến bạn không thể thông cảm cho vấn đề này? Liệu có thể vấn đề không nằm ở nhân sự, mà là ở chính bản thân mình không? Mình có đang bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hoặc ấn tượng nào về nhân sự này từ quá khứ không?

Đối với những người đã thực hành thiền định và chánh niệm, nhờ sự tập luyện thường xuyên, họ có một lợi thế là biết cách dừng lại để đánh giá và lựa chọn một phản ứng tốt nhất.

Giữ bình tĩnh và lắng nghe nhiều hơn

Bạn sẽ không thể thấu cảm với người khác, nếu bản thân dễ bị kích động và mất bình tĩnh. Khi nhân sự đi làm muộn, trễ deadline, đánh mất khách hàng tiềm năng,… nếu như ngay lập tức bạn cáu giận, trách mắng, thì bạn đã bỏ qua rất nhiều câu chuyện phía sau. Rất có thể, nhân sự của bạn không hề cố ý, rất có thể, họ đã cố gắng rất nhiều để thay đổi tình hình nhưng vẫn thất bại.

Sự cáu giận của bạn không giúp giải quyết vấn đề, mà ngày càng đẩy nhân viên ra xa. Trước những tình huống này, nếu biết cách đặt mình vào vị trí của nhân viên để hiểu được những khó khăn và cảm xúc của họ, bạn sẽ không chỉ tạo động lực cho nhân viên mà còn tránh được những tình huống tương tự trong tương lai.

Tìm ra điểm tương đồng

Sự tương đồng có thể đến từ những điều rất nhỏ bé như có con cùng một độ tuổi, cùng sống ở một khu dân cư, cùng học chung một trường đại học; hoặc những điều lớn lao hơn như định hướng nghề nghiệp, mục tiêu phát triển, đam mê cá nhân…; hoặc cũng có thể đến từ những bài học kinh nghiệm bạn từng trải qua. Những điểm chung này thường tạo nên sự gần gũi, an toàn, nhờ đó sự thấu cảm sẽ diễn ra tự nhiên và dễ dàng hơn rất nhiều.

Sự thấu cảm là một trong những động lực hiệu quả nhất thúc đẩy sự gắn bó, trung thành và đa dạng ở nơi công sở. Nó giúp các team cảm thấy được đánh giá cao, giúp họ làm việc nhóm tốt hơn và thúc đẩy họ cố gắng cho các mục tiêu chung.

Tuy nhiên, thấu cảm không thôi là chưa đủ để cung cấp sự giúp đỡ đáng tin cậy và thậm chí ngay cả những ý định tốt nhất đôi khi cũng trở nên tồi tệ khi tình cảm che mất đi lý trí. Tính thấu cảm khi làm lãnh đạo nên được đồng hành với quy trình giải quyết vấn đề dựa trên những gì tốt nhất cho những người có liên quan, và các chiến lược cụ thể để đưa ra giải pháp. Đạt được sự cân bằng này sẽ giúp bạn dùng sức mạnh của sự thấu cảm để tạo ra một lực lượng lao động vui vẻ và sáng tạo hơn.

T.H