Mới đây thông qua fanpage trên Facebook, hãng xe máy điện Selex Motors công bố họ đã chính thức xuất khẩu mẫu xe máy điện Selex Camel cùng hệ sinh thái, hạ tầng đổi pin, chia sẻ năng lượng sang thị trường Philippines. Hãng vừa tiếp nối VinFast để trở thành thương hiệu xe điện tiếp theo của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Đại diện của Selex Motors cho biết, có nhiều đối tác quốc tế tự tìm đến, họ muốn nhập khẩu toàn bộ hệ sinh thái và mô hình kinh doanh của Selex Motors. Tuy nhiên, công ty chọn Philippines làm thị trường thí điểm đầu tiên vì có tiềm năng lớn và đối tác phù hợp.
"Philippines đang trong giai đoạn đầu phát triển xe điện và có những chính sách thúc đẩy mạnh mẽ. Sau khi đánh giá các giải pháp của các công ty từ nhiều nước khác nhau thì họ quyết định chọn Selex Motors vì giải pháp của công ty toàn diện, tối ưu về chi phí và vận hành, có khả năng mở rộng cao", ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, nhà sáng lập kiêm CEO Selex Motors chia sẻ.
Theo nhà sáng lập Selex Motors, kế hoạch xuất khẩu ra nước ngoài tới sớm hơn dự kiến so với dự định và trong tương lai, Selex Motors cũng hướng tới phát triển các thị trường khác ở Đông Nam Á.
"Cơ hội tốt đến thì dù chưa sẵn sàng lắm cũng phải cố gắng để đón nhận. Thị trường xe điện ở Philippines gần như con số 0", ông Nguyên nói thêm.
Được biết, đây là bước tiến đầu tiên của Selex Motors ra thị trường quốc tế. Startup này được thành lập từ năm 2018 với định hướng phát triển phương tiện điện thông minh và công nghệ pin, trước hết tập trung phục vụ ngành logistics – lĩnh vực có nhu cầu di chuyển nhiều nhất và muốn tối ưu chi phí nhất.
"Giao vận chính là lĩnh vực sẽ chấp nhận được sự chuyển đổi sang xe điện đầu tiên và sớm nhất", ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên từng chia sẻ.
Với mục tiêu này, Selex Motors đã cho ra mắt mẫu xe máy điện Selex Camel hồi tháng 11/2022, được thiết kế chuyên dụng cho giao vận và được startup tự hào giới thiệu là "mẫu xe máy điện bán tải đầu tiên ở Đông Nam Á".
Xe có tải trọng 225 kg, cao hơn 50% so với xe máy phổ thông hiện nay, trong khi tiết kiệm 25-35% chi phí nhiên liệu và 50% chi phí bảo trì. Selex Camel được trang bị tối đa 3 pack pin, với quãng đường đi được tối đa là 150 km, có khả năng lội nước, đi được ở các đường dốc thông thường như cầu, hầm.
Hệ sinh thái xe điện của Selex Motors hiện gồm 4 thành phần: mẫu xe Selex Camel, pin Selex, trạm đổi pin tự động và app giúp quản lý toàn bộ hệ sinh thái.
Trọng tâm của hệ sinh thái này là giải pháp đổi pin, giúp người dùng không cần mất 3-8 tiếng để sạc đầy, chỉ tốn 2 phút để lấy quả pin đầy tại trạm thông qua app. Theo thông tin trên website Công ty, Selex Motors hiện có 71 trạm đổi pin trên toàn quốc.
Ngay trong đại dịch, startup trẻ này đã xây dựng được cả nhà máy sản xuất xe điện và sản xuất pin bên Yên Viên – Gia Lâm (Hà Nội), với công suất khoảng 20.000 xe/năm, 100.000 pack pin/năm. Hơn 80% thành phần của xe được sản xuất trong nước.
Dây chuyền công nghệ tại nhà máy do đội ngũ Selex tự nghiên cứu và phát triển. Tỉ mỉ tìm tòi trong phòng nghiên cứu, từ việc thực hiện mối hàn, lắp ráp pin đảm bảo an toàn về nhiệt…, các kỹ sư Selex dần hình thành nên dây chuyền đáp ứng tiêu chuẩn công nghiệp để sản xuất quy mô lớn.
Mới đây, Selex Motors chính thức trở thành đối tác đầu tiên tại Việt Nam được Samsung SDI lựa chọn hợp tác để cung cấp cell pin chính hãng, cùng phát triển thị trường tại Việt Nam và Đông Nam Á
Mai Anh