Bài liên quan |
Doanh nghiệp nhộn nhịp vào mùa hàng Tết 2025 |
Hà Tĩnh chủ động đảm bảo ổn định thị trường hàng Tết |
Hà Tĩnh: Doanh nghiệp thương mại tích cực chuẩn bị hàng Tết |
Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy phát triển thị trường nội địa trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và quý I/2025. Theo đó, các Sở Công Thương trên cả nước được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao hoặc thường xuyên biến động giá.
Đồng thời, cần triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường để ngăn chặn tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến trước, trong và sau Tết. Các Sở cần phối hợp với doanh nghiệp dự báo chính xác nhu cầu tiêu dùng, từ đó xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phù hợp nhằm đáp ứng kịp thời và đầy đủ cho người dân.
Sở Công Thương các tỉnh cùng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cung ứng hàng Tết 2025 |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò của các Sở Công Thương trong việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ thiết yếu phục vụ Tết và thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả theo quy định của pháp luật. Trong đó chỉ đạo các Sở Công Thương phối hợp với ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và phân phối tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm gia tăng khả năng cung ứng, dự trữ hàng hóa và góp phần giảm áp lực tài chính trong giai đoạn cao điểm. Đồng thời, Bộ khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại quy mô lớn, đồng bộ trên toàn quốc, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ và khuyến khích người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết.
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, doanh nghiệp được khuyến khích triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, kết hợp với các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và ưu đãi mua sắm trực tuyến để kích thích tiêu dùng.
Trong nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các khu công nghiệp, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở phối hợp với doanh nghiệp triển khai các chương trình bán hàng trực tiếp, kết hợp quảng bá sản phẩm Việt Nam chất lượng cao để nâng cao niềm tin và thói quen tiêu dùng hàng nội địa. Đặc biệt, cần chú trọng cung ứng hàng hóa đầy đủ, giá cả hợp lý cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đảm bảo đời sống người dân trong dịp lễ Tết. Song song đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước phải dự trữ đầy đủ nguồn cung xăng dầu theo quy định, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường giám sát, ngăn chặn tình trạng găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được yêu cầu lên phương án vận hành hệ thống điện ổn định, đặc biệt ưu tiên các khu vực sản xuất hàng hóa thiết yếu, khu công nghiệp và các khu dân cư đông đúc. Việc đảm bảo an toàn phòng chống sự cố cháy nổ từ lưới điện cũng là nhiệm vụ trọng tâm.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị duy trì hoạt động ổn định, tránh ngừng sản xuất trong giai đoạn cận Tết nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn. Doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng nguyên liệu trong nước để tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Bộ cũng nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường các chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt đối với các sản phẩm Việt Nam. Các hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại hoặc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ bị xử lý nghiêm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng được chú trọng hàng đầu.
Những giải pháp đồng bộ này không chỉ giúp bình ổn thị trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong nước trong quý I/2025. Bộ Công Thương kỳ vọng các chương trình này sẽ nâng cao niềm tin của người dân đối với hàng hóa Việt Nam, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp nội địa trong việc cải thiện năng lực sản xuất, phân phối và cạnh tranh trên thị trường.