Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đăng Phú - phó tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM) - cho biết để đảm bảo nguồn cung cho thị trường dịp Tết Quý Mão, từ tháng 6-2022 đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu nên thuận lợi khi bước vào mùa sản xuất cao điểm.
"Nhận định nhu cầu sẽ tăng nên đơn vị dự kiến cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% so với cùng kỳ 2022; và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết hơn 710 tỉ đồng, tăng 10% so với năm ngoái", ông Phú thông tin.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết, sản lượng trứng gia cầm đang rất dồi dào, doanh nghiệp đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết. Tuy nhiên, điều ông lo lắng là TP.HCM vừa điều chỉnh giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường, trong khi giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đang rất căng nên giá trứng thời gian tới có thể biến động.
"Có thể sắp tới, chúng tôi cũng phải xin điều chỉnh giá để phù hợp với tình hình sản xuất", ông Thiên chia sẻ.
Với các doanh nghiệp ngành bán lẻ, dịp cuối năm cũng là vụ mùa tất bật nhất trong năm nên lượng hàng hóa càng được chuẩn bị dồi dào. Chia sẻ với Haiquanonline, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho hay, đơn vị đã chuẩn bị khoảng 14.000 tấn hàng hóa cho trước, trong, và sau dịp tết Nguyên đán 2023. Với dự báo sức mua sẽ tăng cao, nên ngay từ tháng 11/2022, Saigon Co.op đã bắt đầu chạy chương trình khuyến mãi tết Nguyên đán.
Thực tế là sự chuẩn bị và kỳ vọng của các doanh nghiệp cung ứng cho thị trường nội địa là hoàn toàn có cơ sở khi doanh thu bán lẻ trong nước đang phục hồi mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tháng 10/2022 tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, 2 thành phố lớn nhất cả nước cũng ước tính nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Theo ước tính của Sở Công Thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% ngoài kế hoạch của Thành phố giao.
Dân Việt thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị dự trữ gần 40.000 tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết Quý Mão 2023. Trong đó, lương thực là 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481 tấn, trứng gia cầm gần 55 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn.
Đáng chú ý, ngành Công Thương thành phố đã đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường, xây dựng, dự trữ nguồn hàng chiếm 25-43% so với nhu cầu của người dân thành phố, bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa dịp cuối năm.
Các doanh nghiệp cho hay sẽ phải cân đối lại các chi phí vận hành để giữ giá ổn định, tăng cường kết nối sớm với các siêu thị, trung tâm thương mại, xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để chủ động thị trường đầu ra.
Thanh Hà