Đây là góp ý của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với dự thảo Nghị định này.
Nảy sinh nhiều quy định bất hợp lý
Dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng có quy định, yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 - 22 giờ. Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu mỗi năm, các siêu thị, TTTM chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, mỗi lần giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày. Số lượng và ngày diễn ra chương trình giảm giá phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo. Ngoài ra, mỗi đợt bán hàng giảm giá sau phải cách đợt bán hàng giảm giá trước ít nhất 30 ngày. Chưa kể trong đợt giảm giá, phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị, TTTM nằm trong chương trình giảm giá.
Điều kiện kinh doanh siêu thị can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.(Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Vinmart). Ảnh: Lê Nam
Cùng với việc quy định chi tiết về tần suất khuyến mại, Bộ Công Thương cũng quy định về tiêu chuẩn của siêu thị với yêu cầu phải có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000m2 và phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các DN nhỏ và vừa của Việt Nam; có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại. Còn TTTM phải có diện tích kinh doanh từ 10.000m2 trở lên; đáp ứng tiêu chuẩn về trông giữ xe; nhà hàng, khách sạn; khu vực cho thuê văn phòng làm việc...
Không chỉ quy định cụ thể cách thức kinh doanh của DN, dự thảo còn quy định về quản lý điểm kinh doanh tại chợ theo hướng đơn vị kinh doanh khai thác phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Đồng thời, “những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công…) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành nội quy chợ”.
Can thiệp vào quyền tự chủ của DN
Góp ý cho dự thảo này, đại diện VCCI cho rằng, các duy định về thời gian mở cửa của siêu thị, quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị/TTTM, hay quy định UBND phê duyệt phương án kinh doanh liên quan đến chợ có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN, đồng thời can thiệp vào mối quan hệ dân sự giữa DN kinh doanh khai thác chợ với người thuê địa điểm kinh doanh…
Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép, tuy nhiên không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này. Đồng tình với góp ý của VCCI, chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, dự thảo còn quá sơ sài, không đề cập đến những nội dung mang tính định hướng phát triển mạng lưới phân phối của Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nhìn nhận, việc bắt buộc siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại là không thực tế và không nhất thiết siêu thị nào cũng phải có mà còn tùy thuộc vào cách kinh doanh của từng siêu thị. Bà Loan cho rằng cần phải xem xét lại quy định siêu thị phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các DN nhỏ và vừa của Việt Nam, để đảm bảo tỷ lệ phù hợp với các cam kết quốc tế. Ngoài ra, quy định siêu thị, TTTM phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 - 22 giờ là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN, đi ngược với thông lệ quốc tế khi các DN bán lẻ lớn thường bị hạn chế về thời gian mở cửa để hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ nhỏ, chợ truyền thống có điều kiện phát triển.
Tại các nước phát triển như Mỹ, Úc, CHLB Đức… khi xếp loại mô hình hoạt động là siêu thị, TTTM thường dựa vào thời gian hoạt động, số lượng ngành hàng đang kinh doanh, diện tích chỉ là một yếu tố phân loại chứ không phải là tiêu chí quyết định tất cả. Vì vậy quy định diện tích kinh doanh để xếp loại siêu thị, TTTM là quá cứng nhắc". Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn
Lê Nam