Shein và Temu, hai nền tảng kỹ thuật số Trung Quốc, đã trở thành mục tiêu mới nhất của chính phủ Mỹ, sau khi một báo cáo chính thức nêu lên mối lo ngại về rủi ro dữ liệu và các hoạt động kinh doanh khác của chúng.
Ủy ban đánh giá bảo mật và kinh tế Mỹ - Trung (USCC) mới đây đã công bố báo cáo, cáo buộc hai ứng dụng Shein và Temu gây rủi ro đến dữ liệu, vi phạm tài sản sở hữu trí tuệ. USCC là cơ quan do Quốc hội Mỹ thành lập năm 2020. Đây là động thái mới nhất cho thấy làn sóng phản đối doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ, sau khi ứng dụng video ngắn TikTok của ByteDance bị cấm trên các thiết bị liên bang.
Shein, nền tảng thời trang nhanh phổ biến được thành lập ở Trung Quốc và hiện có trụ sở tại Singapore. Báo cáo cho biết, ứng dụng của Shein “yêu cầu người dùng chia sẻ dữ liệu và hoạt động của họ từ các ứng dụng khác, gồm cả mạng xã hội, để đổi lấy chiết khấu và ưu đãi đặc biệt cho các sản phẩm của Shein”.
Theo báo cáo, Shein “đã gặp khó khăn trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng”. Báo cáo đề cập đến khoản tiền phạt 1,9 triệu USD mà bang New York áp đặt với công ty mẹ Zoetop của Shein vào năm ngoái vì xử lý sai thông tin thẻ tín dụng và khách hàng.
Ngoài ra, Shein cũng lấy quần áo từ khu vực Tân Cương ở Trung Quốc nhưng không chứng minh được đó không phải là sản phẩm của lao động bị cưỡng bức, một yêu cầu theo Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ, báo cáo cho biết, trích dẫn một cuộc điều tra từ trang Bloomberg vào tháng 11.2022.
Năm ngoái, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ bắt đầu thực thi "Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ" mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật trước đó.
Theo đó, luật này giả định tất cả hàng hóa từ Tân Cương đều được sản xuất bằng lực lượng lao động cưỡng bức và do đó bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Các hàng hóa này chỉ có thể nhập vào Mỹ nếu các công ty chứng minh được không có "lao động cưỡng bức"
Báo cáo cũng đề cập đến các vấn đề khác của Shein, gồm cả sao chép thiết kế của các thương hiệu khác và gây tác động đến môi trường.
Một đại diện công ty cho biết: “Shein coi việc tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng của chúng tôi là rất nghiêm túc”. Người này nói thêm rằng, công ty đã cung cấp dịch vụ và hàng hóa bằng sự tôn trọng đầy đủ với cộng đồng trong hơn 1 thập kỷ.
Temu, website mua sắm trực tuyến của PDD Holdings, doanh nghiệp đứng sau ứng dụng thương mại điện tử Pinduoduo phổ biến tại đại lục, cũng được USCC gọi tên. “Tương tự Shein, thành công của Temu đặt ra câu hỏi về thực hành kinh doanh của mình”, báo cáo có đoạn. USCC tố Temu vi phạm bản quyền và gây lo ngại về chất lượng sản phẩm.
Tháng trước, Google Play đã đình chỉ Pinduoduo sau các khiếu nại xuất hiện mã độc trong ứng dụng, truy cập tin nhắn riêng tư mà người dùng không hề hay biết.
Ứng dụng Temu đứng đầu bảng xếp hạng lượt tải xuống của Mỹ vào đầu tháng 4, vị trí mà phần mềm đã thống trị từ tháng 1. Temu được xác định là một siêu thị tương tự như Amazon, bán mọi thứ từ đồ trang điểm đến đồ gia dụng và đồ điện tử, sự ra mắt thầm lặng của phần mềm tháng 9/2022 đánh dấu bước đột phá đầu tiên của công ty thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo trên thị trường Mỹ.
Trong khi đó, Shein chiếm khoảng 50% doanh số thời trang nhanh tại đây tính đến tháng 11/2022, đứng trước cả H&M (16%), Zara (13%), theo Bloomberg.
Các ứng dụng Shein và Temu nổi lên khi các công ty thời trang hàng đầu của Mỹ chuyển sang giảm tiếp xúc với Trung Quốc trước những lo ngại về căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, Sheng Lu, GS nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delaware cho biết.
Ông cho biết thêm, cả hai thương hiệu chủ yếu lấy nguồn sản phẩm từ Trung Quốc và Temu cũng chủ yếu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp trực tiếp từ đó, trái ngược với các trung tâm phân phối có trụ sở tại Mỹ của Amazon.
Thu Hà (t/h)