Bài liên quan |
Thành phố Hà Nội chỉ đạo chấm dứt cho thuê đất nông nghiệp, đất công trái quy định |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự kiến sẽ khai mạc Phiên họp thứ 44 vào ngày 14/4/2025, trong đó nội dung đáng chú ý được đưa ra thảo luận vào sáng 15/4 là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đây là chính sách đã được triển khai liên tục từ năm 2001 đến nay, thông qua các Nghị quyết số 55/2010/QH12, 28/2016/QH14 và 107/2020/QH14, nhằm hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo quy định hiện hành, thời hạn miễn thuế này sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2025.
![]() |
Sẽ trình Quốc hội đề xuất kéo dài miễn thuế đất nông nghiệp đến hết 31/12/2030 |
Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả tích cực mà chính sách đã mang lại trong hơn hai thập kỷ qua, Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục thực hiện miễn thuế từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trình bày Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội sẽ trình bày báo cáo thẩm tra, sau đó UBTVQH sẽ thảo luận và đưa ra kết luận trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, khai mạc vào ngày 5/5 tới.
Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng gồm tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng như các cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có liên quan. Trong Tờ trình, Chính phủ khẳng định chính sách này đã tạo ra những tác động sâu rộng, không chỉ hỗ trợ người nông dân giảm gánh nặng tài chính mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại và bền vững. Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2001–2010, trung bình mỗi năm Nhà nước miễn, giảm khoảng 3.268,5 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp; giai đoạn 2011–2016 con số này tăng lên 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017–2020 là khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm và giai đoạn 2021–2023 đạt trung bình 7.500 tỷ đồng/năm.
Mặc dù nguồn thu từ sắc thuế này rất khiêm tốn – chỉ chiếm khoảng 0,00057% tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2023 – nhưng vai trò của chính sách lại vượt xa giá trị tài chính, khi trở thành công cụ hữu hiệu để Nhà nước thể hiện trách nhiệm đồng hành với nông dân, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, một số quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Phương pháp xác định thuế lỗi thời, giá trị thu được thấp, nhiều quy định mang tính hình thức như tính thuế bằng thóc hay thu bằng tiền trên đơn giá cũ hiện gần như không còn được áp dụng do chính sách miễn thuế đã bao trùm toàn bộ diện tích đất nông nghiệp. Thực tế từ năm 2001 đến nay, chính sách thuế này chỉ thay đổi theo hướng tăng cường ưu đãi nhằm thực hiện đúng định hướng chiến lược của Nhà nước.
Do đó, việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm nữa không chỉ nhằm duy trì chính sách đang có hiệu lực thực tiễn cao, mà còn thể hiện sự linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ khẳng định, việc tiếp tục miễn thuế đến hết năm 2030 là bước đi cần thiết để củng cố kết quả đã đạt được, đồng thời góp phần bảo đảm sự ổn định của ngành nông nghiệp trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và biến động toàn cầu ngày càng phức tạp.