Bài liên quan |
Phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả tại Bắc Giang |
Nan giải cuộc chiến chống thuốc và thực phẩm chức năng giả |
Trong thời gian chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không mua hoặc sử dụng các sản phẩm có hình ảnh, nhãn mác giống với các sản phẩm đã được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây. Cục nhấn mạnh, việc sử dụng sản phẩm giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe người dùng.
![]() |
Sẽ công khai thực phẩm chức năng giả trên website chính thức sau khi có kết luận điều tra |
Ngay sau khi có kết luận điều tra, Cục sẽ công khai danh sách các sản phẩm thực phẩm chức năng giả trên cổng thông tin điện tử nhằm minh bạch thông tin và giúp người tiêu dùng chủ động phòng tránh.
Liên quan đến công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã ban hành Công văn số 790/ATTP-SP ngày 18/4/2025 gửi các Sở Y tế địa phương, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng và các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc. Nội dung công văn yêu cầu tăng cường kiểm tra, hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là các mặt hàng có dấu hiệu giả mạo, kém chất lượng, hoặc sản phẩm có bao bì không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Động thái này nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về việc xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là hàng giả là thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe – những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe cộng đồng.
Trước đó, ngày 16/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) - Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 100 tấn hàng giả. Đây được xem là một trong những vụ việc lớn và phức tạp nhất trong lĩnh vực này từng bị phát hiện tại Hà Nội.
Cầm đầu đường dây là Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, trú tại số 1, LK 11, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội). Theo điều tra ban đầu, các đối tượng đã thành lập tới 17 công ty, trong đó có 6 công ty chuyên nhập khẩu hàng hóa và 11 công ty đảm nhận chức năng phân phối sản phẩm trong nước. Các công ty này hoạt động theo mô hình "vỏ bọc" nhiều lớp, hợp thức hóa giấy tờ nhằm che mắt cơ quan chức năng và tiêu thụ hàng giả với quy mô lớn trên thị trường.
Trước diễn biến phức tạp và tinh vi của các hành vi làm giả thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng nêu cao cảnh giác, chỉ lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được phân phối bởi các đơn vị uy tín, có chứng nhận từ cơ quan chức năng.
Cục cũng khuyến khích người dân chủ động theo dõi thông tin được đăng tải công khai trên website chính thức của Cục để kịp thời nắm bắt danh sách các sản phẩm vi phạm, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu bất thường trong sản phẩm hoặc hoạt động kinh doanh.