Bài liên quan |
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh kiểm tra thực tế mô hình mới tại phường Phú An sau sáp nhập |
Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh tăng tốc trong chuyển đổi số |
Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được, các Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh gồm Nguyễn Lộc Hà và Bùi Minh Thạnh; Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Minh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh tại buổi làm việc, khu vực Bình Dương cũ trong 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các dự án hạ tầng trọng điểm được thúc đẩy triển khai nhanh chóng, một số khu công nghiệp tiếp tục mở rộng và đi vào hoạt động ổn định, đồng thời tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt tiến độ tích cực.
Đây được xem là nền tảng quan trọng để khu vực này hòa nhập nhanh hơn với cơ cấu phát triển chung của TP. Hồ Chí Minh, đồng thời phát huy vai trò là cực tăng trưởng trong vùng đô thị mở rộng về phía Bắc.
![]() |
Sau sáp nhập, 8/14 sở, ngành Bình Dương đã chuyển cán bộ về TP. Hồ Chí Minh làm việc |
Liên quan đến công tác tổ chức bộ máy sau khi hợp nhất, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay đa số các sở, ngành và đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương trước đây đã có phương án sắp xếp, hợp nhất vào bộ máy hành chính TP. Hồ Chí Minh.
Đến nay, đã có 8/14 sở, ngành hoàn tất việc chuyển cán bộ, công chức về làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó Sở Xây dựng là đơn vị duy nhất chuyển toàn bộ lực lượng về trụ sở chính.
Bên cạnh đó, 7 sở, ngành vẫn duy trì một bộ phận làm việc tại khu vực Bình Dương để đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ và xử lý công việc liên quan đến địa bàn, bao gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND TP, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở Khoa học và Công nghệ.
Hiện 6 sở, ngành vẫn chưa thực hiện di chuyển, gồm: Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Thanh tra TP, Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao. Một số đơn vị như Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Trường Đại học Thủ Dầu Một vẫn đang chờ phương án sắp xếp từ cấp có thẩm quyền.
Dù đa phần cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành phân công, song vẫn còn không ít trường hợp bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục làm việc tại khu vực Bình Dương do gặp khó khăn về thời gian di chuyển, điều kiện nhà ở và việc chưa được bố trí nhà công vụ tại địa bàn mới.
Trước đó, khi xây dựng đề án hợp nhất tỉnh, phương án bố trí trụ sở làm việc số 2 tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương cũ từng được đưa ra, tạo điều kiện để cán bộ lựa chọn ổn định chỗ làm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc duy trì mô hình trụ sở 2 hiện nay hầu như không còn được triển khai, khiến nhiều cán bộ, viên chức cảm thấy hụt hẫng vì thay đổi định hướng đột ngột.
Tại buổi làm việc, một số lãnh đạo cơ sở đã kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét tổ chức thêm một đợt đăng ký nguyện vọng điều động cho cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu được công tác tại địa phương cũ.
Việc này nhằm ổn định tư tưởng, tạo tâm lý an tâm công tác, phát huy tốt năng lực đội ngũ và tăng tính gắn bó của cán bộ với địa bàn – nhất là khi nhiều người đã có thời gian dài sinh sống và làm việc tại khu vực Bình Dương.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh ghi nhận ý kiến từ các địa phương và cho biết sẽ xem xét, đánh giá tổng thể để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu quản lý tập trung và nhu cầu thực tế của cán bộ, cơ sở.