Sau 11 năm, chuẩn bị đấu thầu vàng miếng

15:46 16/04/2024

Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất công tác chuẩn bị tiến hành đấu thầu vàng miếng trở lại để tăng nguồn cung cho thị trường. Trong khi đó thị trường vàng có những biến động...

Giá vàng liên tục biến động, đến giữa tháng 4/2024 vẫn liên tục nhảy múa theo chiều hướng tăng theo giá vàng thế giới nhưng điều đáng ngại là chênh lệch giá vàng trong nước (vàng miếng SLC) với thế giới rất cao, có khi lên đến 20 triệu đồng/lượng. Tình hình đó gây bất lợi trong quản lý tỷ giá, dễ kích thích buôn lậu vàng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng. Ảnh: Reuters
Giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng. Ảnh: Reuters.

"Xử lý ngay và luôn" tình trạng chênh lệch giá vàng

Trước tình hình đó, Chính phủ có hơn 10 văn bản, công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẩn trương tổng kết Nghị định 24, can thiệp bình ổn giá vàng, đặc biệt khắc phục ngay tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Tuy nhiên giá vàng vẫn cứ tăng liên tục, chủ yếu là do giá vàng thế giới tăng. Vấn đề của Chính phủ là yêu cầu khắc phục ngay tình hình chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao.

Rất nóng ruột với tình hình giá vàng như vậy và lo ngại giá vàng tăng cao, chênh lệch, gây áp lực lên tỷ giá, ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu NHNN can thiệp kịp thời, "xử lý ngay và luôn" tình trạng chênh lệch giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới.

Thông báo yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định. Can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao.

Thông báo yêu cầu phải bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả. Việc xử lý diễn biến thị trường vàng để đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.

Thông báo cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỉ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá… NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng. NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật. Quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường.

Phản ứng ngay lập tức của thị trường vàng

Giới kinh doanh vàng ngay lập tức nhận thấy thị trường sẽ được cung ứng vàng miếng và ngay lập tức giá vàng miếng SJC đã bốc hơi nửa triệu đồng/lượng dù giá vàng thế giới khi đó vẫn trong xu hướng đi lên và chạm mốc lịch sử 2.400 USD/ounce vào cuối ngày 12/4.

Ở góc độ quản lý, thực hiện Thông báo 160/TB-VPCP về quản lý thị trường vàng, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục tổ chức kiểm tra nhiều cửa hàng buôn bán vàng ở các địa phương. Điều đáng nói là tại TP HCM, trong vài ngày qua nhiều tiệm vàng nổi tiếng ở Chợ Thiếc, Chợ An Đông, khu vực Nguyễn Duy Dương, trong đó có Trung tâm kim hoàn 87-89 Nguyễn Duy Dương tạm thời treo bảng đóng cửa để đối phó.

Lý do, trong đợt kiểm tra trước đó hôm 4/4 ở một số của hàng kim hoàn, cơ quan chức năng phát hiện một số sản phẩm nữ trang kim loại là vòng cổ, vòng tay, nhẫn, bông tai có gắn tên một số nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Hermes, LV… nghi ngờ về nguồn gốc nhãn hàng hóa, niêm yết giá, vi phạm về điều kiện kinh doanh, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử…

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, việc kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng tại một số địa phương trong thời gian qua nhằm triển khai chỉ đạo theo công điện của Thủ tướng. Ông Lê cho biết thêm: Việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024 trên cả nước, đặc biệt trong việc tăng cường quản lý chất lượng, góp phần bình ổn thị trường vàng.

Trước đó vài ngày, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổ chuyên trách về thương mại điện tử, Tổng cục Quản lý thị trường vừa phối hợp với Đội quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang kiểm tra tại tiệm buôn bán vàng lớn là Kim Hương Dinh. Qua kiểm tra, tiệm vàng này sở hữu tài khoản Facebook gắn tick xanh "Tiệm vàng Kim Hương Dinh", thường xuyên livestream bán các sản phẩm là trang sức kim loại vàng, kim loại trắng, bạch kim... Tiệm vàng thuộc sở hữu của Công ty TNHH vàng bạc đá quý Kim Hương Dinh, do bà Huỳnh Thị Thanh Tuyền (sinh năm 1985) làm Giám đốc. Tại cửa hàng này, cơ quan chức năng xác định một số sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier, LV, Bulgari… dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền..., nên đã lập vi bằng làm cơ sở tiến hành thẩm tra, xác minh.

Những vi phạm như vậy, theo cơ quan chức năng, nếu kiểm tra các doanh nghiệp buôn bán vàng, có thể có hơn 50% có vi phạm.

Đó là lý do nhiều tiệm kim hoàn ở TP. HCM trong những ngày qua phản ứng bằng cách treo bảng đóng cửa dài hạn...

Tất cả những thông tin này cho thấy một thời gian dài công tác quản lý thị trường vàng nói chung và thị trường vàng trang sức bị buông lỏng.

Chuẩn bị đấu thầu vàng miếng

Thông tin mới nhất, hiện NHNN đang hoàn tất công tác chuẩn bị để tiến hành đấu thầu vàng miếng trở lại, nhằm tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 2013, NHNN mới tổ chức đấu thầu vàng trở lại.

Năm 2013, NHNN đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng vàng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.

Đấu thầu vàng miếng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ thu hẹp? Ảnh minh họa của Reuters
Đấu thầu vàng miếng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ thu hẹp? Ảnh minh họa của Reuters.

Đến nay, sau 11 năm NHNN lại cho đấu thầu vàng. Thời gian đấu thầu có thể ngay trong tuần này. NHNN cho biết, sẽ gửi thông báo đấu thầu đến các tổ chức, DN trước 1 ngày tổ chức đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.

Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua; 1 tiếng sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả. Các DN sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu. Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả các ngân hàng thương mại và DN kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng kỳ này. Theo NHNN, loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC. 

Như vậy, NHNN vẫn không nhập khẩu vàng như dự đoán mà lấy vàng trong kho dự trữ ngoại hối ra tăng cho nguồn cung, để bình ổn thị trường mà chưa cấp phép nhập khẩu vàng. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, đây là động thái hợp lý trong bối cảnh tỷ giá tăng biến động tăng cao và dự trữ ngoại hối chưa dồi dào.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế. Để ổn định thị trường, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các DN, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc. Ông Hà cho biết, NHNN sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với giá thế giới.

Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ. 

Sáng 15/4/2024, giá vàng miếng thế giới vượt qua mốc 85,5 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới vọt lên trên 2.358 USD/ounce. Chênh lệch giữa giá mua - bán vàng trong nước tăng lên mức cao chưa từng có là hơn 3 triệu đồng/lượng, khiến người mua chịu rủi ro lớn. Với giá bán ra như vậy, vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới gần 14 triệu đồng/lượng (trước đây không lâu có khi lên đến 20 triệu đồng/lượng).

Trong khi đó giá vàng trong nước sáng 16/4 rơi tự do xuống còn 84 triệu sau khi đã lên 85,5 triệu đồng/lượng vào trưa 15/4.  

Việc NHNN đấu thầu vàng miếng trở lại được kỳ vọng sẽ dần kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngay trong tuần này.

Tuy nhiên đó vẫn chỉ là kỳ vọng. Còn nhớ, năm 2013, sau 9 phiên đấu thầu vàng miếng liên tục, đã có 10 tấn vàng được NHNN bán ra khi ấy nhưng cũng không giúp thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới, lại còn tăng cao lên đến 6 triệu đồng/lượng, trong hki trước đó chỉ có vài triệu đồng/lượng.

Quốc hội đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Sáng 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2024. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu: Ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cụ thể. Trong đó, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan theo dõi sát biến động cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tăng cường các hoạt động kiểm soát hàng hóa, bình ổn thị trường; tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Vĩnh Hy