Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, thời gian vừa qua, đã có nhiều ý kiến đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát tổng kết việc thực hiện chính sách thuế nêu trên để báo cáo với Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN và sửa đổi bổ sung các văn bản hướng dẫn trong phạm vi thẩm quyền cho phù hợp thực tế, bảo đảm đúng tính chất của Thuế TNCN là áp dụng với người có thu nhập cao. Đồng thời, thể chế hóa chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài chính cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26.11.2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn về thuế đã quy định hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nộp thuế TNCN theo tỉ lệ ấn định trên doanh thu theo từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế TNCN.
Quy định trên đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế của các hộ, cá nhân kinh doanh, tiết kiệm chi phí xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cải cách thủ tục hành chính.
Mặc dù quy định thu thuế TNCN theo tỉ lệ trên doanh thu, không tính trừ chi phí và các khoản giảm trừ, tuy nhiên mức tỉ lệ được xây dựng đã tính toán phù hợp hoạt động kinh doanh của cá nhân tương ứng với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
T.H