Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội vừa được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Rõ ràng rất nhiều nhiệm vụ đang chờ đợi vị tướng doanh nhân này, trong bối cảnh những người tiền nhiệm của ông đã có những vi phạm được xác định là rất nghiêm trọng.
Nhưng từ phía cộng đồng doanh nghiệp, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là với cương vị mới, tướng Nguyễn Mạnh Hùng - người từng nhiều năm lăn lộn trên thương trường - sẽ thúc đẩy công tác cải cách, hoàn thiện thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh như thế nào?
Trên thực tế, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những nỗ lực trong công tác này, tuy nhiên, vẫn còn không ít những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết.
Có thể nhắc đến một ví dụ cụ thể nhất, đã được các doanh nghiệp nhắc đến không ít lần, đó là việc các doanh nghiệp viễn thông chỉ được khuyến mại tối đa 20% đối với thuê bao trả trước. Đây là quy định tại Thông tư 47/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ 1/3 năm nay.
Theo các chuyên gia, quy định này sẽ cản trở các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia vào thị trường viễn thông và ảnh hưởng đến chính quyền lợi của người tiêu dùng. Bởi trong các ngành mang tính mạng lưới như viễn thông, khuyến mại thời gian đầu cực kỳ quan trọng.
Trên thực tế, hồi tháng 3 vừa qua, một doanh nghiệp là Công ty cổ phần viễn thông di động Vietnamobile đã bị yêu cầu dừng triển khai bộ hòa mạng trả trước Thánh Sim với lý do có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về quản lý giá cước viễn thông.
Thế nhưng không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, các “ông lớn” trong ngành cũng bị vướng mắc bởi quy định này. Cả ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT và Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đều cho rằng quy định này không phù hợp và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp.
Nhìn lại quá khứ, Viettel – nơi ông Nguyễn Mạnh Hùng làm lãnh đạo vừa qua– trong thời gian mới gia nhập thị trường, một trong những giải pháp đột phá của doanh nghiệp này là đã giảm giá rất mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác như Mobifone và Vinaphone.
Mặc dù đã có những giải thích từ phía Cục Viễn thông về quy định này, nhưng có nên duy trì quy định trên vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhất là trong bối cảnh, Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo rất rõ ràng và quyết liệt về cắt bỏ các quy định trái nguyên tắc thị trường, cản trở cạnh tranh, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngay trong vấn đề khuyến mại, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP, với một trong những điểm đáng chú ý nhất là doanh nghiệp được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ, thay vì mức trần 50% như trước đây. Theo các doanh nghiệp, hạn mức tối đa 50% là bất hợp lý và không thực tế nhưng đã tồn tại hơn 10 năm qua.
Nhìn rộng hơn, theo các chuyên gia tại một hội thảo mới đây, thì trong các ngành công nghiệp mạng lưới tại Việt Nam, trong đó viễn thông, mặc dù về nguyên tắc các thành phần kinh tế đều bình đẳng và đã có nhiều chính sách cụ thể để thực thi yêu cầu này, nhưng trên thực tế, trong một số chính sách vẫn có một loạt các điều kiện trói buộc, mang tính ‘đánh đố’ cao, khiến các doanh nghiệp ngoài Nhà nước ‘chùn chân’.
Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã yêu cầu các Bộ phải cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh hiện có, cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhưng nhiều Bộ vẫn chưa quyết liệt triển khai. Trong đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết tháng 5/2018, vẫn chưa có thông tin cập nhật về việc Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm tới việc phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông được đánh giá là một trong những khâu đột phá để nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững.
Trưởng thành từ Viettel - một trong những doanh nghiệp phát triển “thần kỳ” nhất của Việt Nam, một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới và đang giữ nhiều kỷ lục tại Việt Nam như có lợi nhuận lớn nhất năm 2017, chắc chắn người lãnh đạo mới của Bộ Thông tin và Truyền thông nắm rất chắc về những khó khăn, rào cản với doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những đổi mới mạnh mẽ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là thuận lợi và cũng là thách thức không nhỏ với Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Hà Chính