Ngày 17/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo: “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?”. Theo các chuyên gia, pháp luật về kinh doanh của Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có được sự thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN) cũng như các nhà đầu tư.
Xung đột, chồng chéo
Mặc dù Chính phủ rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thực sự thông thoáng, không gian cải cách vẫn rất lớn.
Các chuyên gia cũng đánh giá hầu hết các văn bản chưa hội tụ đủ 10 tiêu chí của một văn bản pháp luật tốt, bao gồm: sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tình minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, giảm nguy cơ nhũng nhiễu, đủ tính tiên liệu.
Theo ông Tuấn, nhiều DN phản ánh pháp luật có nhiều thay đổi nhưng vẫn phức tạp, trung bình 1 luật có tới 10,5 nghị định, 37 thông tư của các bộ, ngành, nên quy định từ luật có thể thuận lợi nhưng xuống nghị định, thông tư lại không còn được đảm bảo.
Trong đó, bất cập lớn nhất hiện nay là tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều quy định pháp luật. Cụ thể, nghiên cứu của VCCI chỉ ra có 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu…
Đơn cử như xung đột về Luật Nhà ở với Luật Đầu tư. Theo đó, tại Điều 171.2 Luật Nhà ở yêu cầu thêm các loại tài liệu khác, ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, tại Điều 33 của Luật Đầu tư quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…
“Ngoài 20 ví dụ điển hình, tôi tin rằng có thể tìm được rất nhiều trường hợp chồng chéo khác”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Đặc biệt, đại diện VCCI còn cho rằng các DN còn bị “ám ảnh” bởi vấn đề hồi tố, khi các quy định áp dụng khác nhau, khiến DN có thể một ngày bị cơ quan nhà nước yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn… Ngoài ra, với những mô hình kinh doanh mới, Việt Nam còn tương đối lúng túng. Hiện nay, pháp luật có 2 xu hướng với mô hình kinh doanh mới, đó là dùng mô hình cũ áp dụng và “mặc kệ”.
Việc xung đột, chồng chéo này tác động lớn đến các dự án đầu tư, không rõ các trình tự để thực hiện các thủ tục cũng như không rõ quan hệ của các đạo luật, kiểu như con gà hay quả trứng có trước? Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của DN.
Đối với cơ quan quản lý, sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan thực thi chính sách trở nên lúng túng, bị động, dẫn tới tâm lý sợ rủi ro, đùn đẩy trách nhiệm.
Nỗ lực từ nhiều phía
Trước thực trạng trên, Ts. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), cũng bày tỏ sự quan ngại khi DN đang bị “trói buộc” bởi các quy định pháp luật, trong khi Việt Nam mở cửa thị trường rất mạnh nên DN không thể tận dụng được cơ hội.
“Các DN bị trói buộc ở chỗ không tiếp cận được cơ hội kinh doanh, nguồn lợi kinh doanh, khiến không thể tiên đoán được pháp luật. Vì vậy, quyền tự do kinh doanh có cải thiện, nhưng an toàn trong hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện. Chính sự không an toàn này khiến hoạt động đầu tư thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ, không dài hạn, không chiến lược”, ông Cung chia sẻ.
Nguyên Viện trưởng CIEM chỉ ra nguyên nhân là do lâu nay, điều kiện kinh doanh rườm rà, gây khó khăn cho DN mới chỉ cắt đi phần ngọn, chưa sửa được gốc rễ vấn đề. Vì vậy, sẽ có ngọn mới mọc, tức là cốt lõi vướng mắc của pháp luật lại chưa được giải quyết. Do đó, phải thay đổi tư duy, thay đổi cách thức làm luật hiện nay, các cơ quan nhà nước phải thật sự quyết tâm để có hệ thống pháp luật kinh doanh thực sự thuận lợi cho DN.
Giải pháp được các chuyên gia đưa ra là tập trung tiến hành rà soát, đánh giá thực tế quy mô và toàn diện về thực trạng và thực tế xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể. Đồng thời, phối hợp làm việc và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, Chính phủ trình Quốc hội triển khai theo cách thức dùng một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và hoạt động của DN.
Đặc biệt cần phải có một tổ chức độc lập, hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi”. Ở các bộ ngành, việc xây dựng pháp luật nên giao cho tổ chức độc lập chứ không nên giao các cục vụ thực thi pháp luật…
Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị các cơ quan soạn thảo pháp luật cần cơ chế nhận biết loại bỏ quy định không cần thiết, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, chống cài cắm lợi ích, chống chồng chéo pháp luật…
Đồng quan điểm, Ts. Nguyễn Đình Cung cho rằng các luật còn chồng chéo nhưng cải cách không nhiều vì đấy là những chỗ có rất nhiều quyền lợi. Vì thế, muốn sửa luật thì không nên để từng bộ sửa mà phải có một nhóm chuyên gia độc lập, phải có sự chỉ đạo của một Phó Thủ tướng thì mới có thể tạo được sự thông thoáng cho hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, các chuyên gia và DN đều kiến nghị các cơ quan làm luật cần tăng cường công khai lấy ý kiến đóng góp của DN và người dân, không thể làm theo quy trình tắt.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhấn mạnh đến vai trò của hiệp hội DN, các bên cần song hành để giúp môi trường kinh doanh tốt hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), kiến nghị các nhà làm luật phải nhìn rộng hơn, đừng làm cái trước mắt mà cần xây dựng trên tinh thần phát triển lâu dài, giúp DN chủ động cho các hoạt động đầu tư.
Thanh Hoa