Trong cuộc đời binh nghiệp, Thượng tướng, Viện sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng tham gia nhiều chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Mỹ. Ông hiện là Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, tướng Hiệu chia sẻ, ông kỳ vọng chuyến thăm sẽ mở ra cơ hội để đưa quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga lên một tầm cao mới.
Là người hiểu rõ sự giúp đỡ, sẻ chia của Liên Xô trước kia và Nga hiện nay với Việt Nam ở những lúc khó khăn nhất, ông nhấn mạnh, Liên Xô không chỉ giúp đỡ Việt Nam về vũ khí mà còn đào tạo giúp Việt Nam một thế hệ cán bộ vàng. Đặc biệt là các lực lượng vũ trang, nhờ đó,, Việt Nam đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông kể, trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã tham gia Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Ngay từ năm 1965 khi Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, quân giải phóng rất khó khăn nhưng Liên Xô đã không tiếc sức giúp đỡ. Như trong chiến dịch Mậu Thân, Liên Xô đã giúp Việt Nam tất cả các vũ khí, trang bị cần thiết cho các quân, binh chủng.
Khi đó quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhận rất nhiều súng phòng không A72 để bắn máy bay, B72 để bắn xe tăng và các loại trang bị của hải lục không quân, phòng không không quân.
Còn trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972, nhờ trang thiết bị quân sự của Liên Xô, không quân và phòng không ta đã bắn rơi hàng loạt máy bay B52. Từ đó, Mỹ phải từng bước xuống thang, cuối cùng phải ký Hiệp định Paris vào năm 1973, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Đặc biệt, theo tướng Hiệu, Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo một đội ngũ cán bộ hùng hậu trên nhiều lĩnh vực, nhất là về quân sự.
Sau kết thúc chiến tranh, vào năm 1977, nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã vinh dự được tham gia đoàn của Hội hữu nghị Việt Nam đi thăm và cảm ơn các quốc gia đã giúp đỡ Việt Nam.
"Tôi xúc động vô cùng khi chứng kiến dọc đường đi, nhân dân và sinh viên Liên Xô đều reo hò "Việt Nam! Hồ Chí Minh! Võ Nguyên Giáp! Điện Biên Phủ!". Họ tung hứng chúng tôi lên không, chia sẻ niềm vui chiến thắng của Việt Nam", vị tướng xúc động kể.
Đến năm 1983, khi đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, ông được Bộ Quốc phòng cử sang học ở Liên Xô cùng 3 sư trưởng khác. Những người được cử đi học đều do đích thân cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng trực tiếp chọn.
Tại nước bạn, nhóm của ông được tiếp cận với tất cả các kinh nghiệm chiến đấu, những bài học kinh nghiệm của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai và truyền thống lịch sử, văn hóa Liên Xô.
Ngoài việc được tiếp thu những kiến thức, bài học về nghệ thuật chiến tranh, cách đánh và chiến thắng của Liên Xô, nhóm của ông cũng được phép từ Bộ Quốc phòng Việt Nam truyền tải tất cả các thông điệp và kinh nghiệm đánh Mỹ ở miền Nam Việt Nam để bạn có thể tiếp cận và nghiên cứu trong giảng dạy.
Một ấn tượng mà tướng Hiệu nhớ mãi, đó là sau khi thi lý thuyết, nhóm ông được đi thực tế. Lần đầu tiên, ông được tiếp cận, thực hành lái xe chiến đấu bộ binh BMP-1 trên trường bắn hiện đại. Thời điểm đó, Việt Nam bị cấm vận nên rất khó khăn, thiếu thốn. Nhưng Liên Xô luôn ở bên Việt Nam, động viên và giúp đỡ tận tình về mọi mặt.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, con người Việt Nam sống có trước có sau và luôn tin tưởng đất nước, con người, dân tộc và văn hóa truyền thống của đất nước Nga. Bởi vậy, dù trải qua thăng trầm của lịch sử, Việt Nam vẫn luôn giữ vững niềm tin.
"Niềm tin là điều vô cùng quan trọng. Chỉ “có niềm tin sắt son”, chúng ta mới có gốc vững chắc để phát triển quan hệ vững bền và lớn mạnh như ngày nay.
Tôi kỳ vọng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin sẽ tạo nên một thế và lực mới để hai nước tiếp tục phát huy truyền thống hợp tác chiến lược toàn diện, đưa vị thế Việt Nam và Nga lên một tầm cao mới. Góp phần vào việc bảo đảm an ninh khu vực cũng như toàn thế giới trong điều kiện hiện nay", tướng Hiệu kỳ vọng.
Hoài Anh