Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh bắt tay vào thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng trong khó khăn cũng đã chứng minh sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của tỉnh trong năm qua.
Tỉnh Phú Thọ đã ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và quan điểm “chủ động, tích cực từ xa, từ sớm, từ cơ sở”; đồng thời kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ông Lê Quang Thọ- Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn biến phức tạp, Phú Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với tình huống lên đến 5.000 ca mắc COVID-19. Tổ chức nhanh chiến dịch tiêm chủng cho người dân, đến hết ngày 30/12/2021 đã có 978.039 (96,8%) người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vắc xin; 127.314 (97,5%) trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin. Đồng thời, xây dựng và triển khai mô hình tháp ba tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức các Trạm Y tế lưu động; triển khai cách ly F1, điều trị F0 đủ điều kiện tại nhà.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất giảm sút do thiếu đơn hàng, lượng hàng tồn kho lớn; hoạt động thương mại, du lịch, vận tải có thời điểm phải tạm thời đóng cửa, giảm quy mô... Để kịp thời giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Phú Thọ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác; ra mắt kênh trao đổi thông tin “Phú Thọ với Doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo. Chỉ đạo tháo gỡ tình trạng ách tắc, đảm bảo ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Đồng thời, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp.
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã vào cuộc tích cực, hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp; gia hạn nợ thuế, miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất; giảm lãi và phí dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân trên 163 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.186 khách hàng với dư nợ 1.617 tỷ đồng; cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch dư nợ đạt 13.990 tỷ đồng, với 14.891 khách hàng.
Cùng sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cố gắng, nêu cao tinh thần vượt khó, thích ứng linh hoạt với tình hình mới để phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh; triển khai nhiều sáng kiến khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án, bổ sung năng lực mới tăng thêm để bù đắp sụt giảm ngành hàng, sản phẩm chủ lực trong nước. Nhờ đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 của tỉnh tăng 9,28% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 247 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,9% so với cùng kỳ.
Ông Vũ Hữu Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quazt Việt Nam, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì chia sẻ: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới việc quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Công ty. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành chức năng, chúng tôi tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch; rà soát, chuẩn hóa lại tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh; đổi mới kỹ thuật công nghệ để cắt giảm chi phí, không để đứt gãy, gián đoạn sản xuất… Nhờ đó đã giúp doanh thu năm 2021 của Công ty ước đạt hơn 400 tỷ đồng với 80% sản phẩm của Công ty được xuất khẩu.
Xác định đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Năm 2021, lần đầu tiên Phú Thọ thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành danh mục 10 dự án trọng điểm của năm 2021 để tập trung chỉ đạo, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, huy động sự vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể vào cuộc để tháo gỡ khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Dự án cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ có chiều dài toàn tuyến trên 40km, đi qua địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh và Đoan Hùng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.490 tỉ đồng và được chia thành 2 giai đoạn.
Ông Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp với các địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thực hiện công tác kiểm đếm, thu hồi đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công dự án. Cơ bản người dân đồng tình và chấp hành giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện tại đã phê duyệt phương án, chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ được 21,092 tỉ đồng. Đã chi trả cho các hộ dân 16,366 tỉ đồng. Nhà thầu đã khởi công giai đoạn II ngày 23/10/2021 và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2021, tỉnh đã thu hồi trên 660ha đất sạch để bàn giao cho các nhà đầu tư; chủ động phối hợp các bộ, ngành đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục 4 dự án trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; rà soát 886 dự án đầu tư tư nhân. Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư công được triển khai kịp thời, đúng quy định. Trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tỉnh ưu tiên bố trí thu hồi 702 tỷ đồng hoàn trả vốn ứng trước ngân sách Trung ương từ năm 2020 về trước; cắt giảm 40 dự án để tập trung vốn bố trí cho 19 dự án đầu tư trọng điểm. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, kế hoạch đấu thầu; đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, thu hồi 24,4 tỷ đồng của 27 dự án chậm tiến độ. Năm 2021, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 86 dự án trong nước và 12 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 19,5 nghìn tỷ đồng và 800 triệu USD, trong đó lần đầu tiên cấp mới dự án FDI quy mô 269 triệu USD trong thời gian nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tỉnh Phú Thọ xác định phải quyết liệt thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh. Trong đó, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện, thủ tục tiếp cận về đất đai, thu hút mạnh mẽ đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo hoàn thành Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
PV