Phú Thọ: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp

13:21 27/02/2023

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có trên 5.770 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 158.000 người lao động. Trong đó có 15 doanh nghiệp nhà nước; 140 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trên 5.600 doanh nghiệp ngoài nhà nước. Việc nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp đang được tỉnh chú trọng theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị chiếm 2,94%; tỉ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề đạt 70,7%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,5%. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có 30 cơ sở, trong đó có 8 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 17 trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề.

Trong năm 2022, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh trên 30.000 học viên, trong đó có trên 2.000 người trình độ cao đẳng; 4.550 người trình độ trung cấp. Hết năm 2022, toàn tỉnh có trên 16.000 lao động có việc làm tăng thêm, trên 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Để từng bước tăng cường số lao động qua đào tạo, có tay nghề, chứng chỉ, bằng cấp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong bối cảnh công cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm; ổn định và phát triển, mở rộng thị trường lao động nước ngoài, đặc biệt là các thị trường có thu nhập cao. Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm, tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm. Đẩy mạnh phát triển kỹ năng nghề theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

P.V