Dự báo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao từ 15-20% so với những tháng trước đó. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, một số nguyên, vật liệu đầu vào có xu hướng tăng, tạo áp lực cho sản xuất, kinh doanh nên dự báo giá hàng hóa tiêu dùng có thể tăng lên song không nhiều.
Tại Siêu thị Go! Việt Trì, hòa cùng không khí nhộp nhịp của thị trường mua sắm cuối năm và chuẩn bị chào đón Xuân Giáp Thìn 2024 sắp đến, Siêu thị đã lên kế hoạch, đặt hàng các sản phẩm bánh, kẹo, mứt... để phục vụ Tết, trong đó các mặt hàng Việt là chủ đạo, chiếm trên 95% trên thị trường.
Chị Lê Thị Thu Trang - Giám đốc Siêu thị Go! Việt Trì cho biết: Tuy có những khó khăn, thách thức của nền kinh tế nói chung song sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024, của người dân dự báo vẫn sẽ tăng, do đó chúng tôi đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lớn mà thời điểm này, các cửa hàng, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu ở các chợ truyền thống hay các hộ kinh doanh thời vụ Tết cũng đang tích cực nhập hàng, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú, giá cả ổn định, cạnh tranh trong dịp mua sắm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024.
Công ty TNHH chế biến và sản xuất hương vị hoa quả Việt, xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng bắt đầu từ tháng 10 (âm lịch) đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất, chế biến các sản phẩm mứt, chè, ô mai, củ, quả ngâm... đảm bảo kịp thời cung ứng ra thị trường dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Thúy An - Giám đốc Công ty cho rằng, hiện nay, dịp Tết người dân ngày càng ưa chuộng sử dụng các sản phẩm đã qua chế biến, sản phẩm sấy khô, do vậy Công ty đã liên kết với các hộ trồng nguyên liệu trên địa bàn huyện và một số đơn vị cung cấp nông sản để đảm bảo nguồn hàng cung ứng liên tục, kịp thời chế biến, giao cho đơn vị phân phối đã đặt hàng để cung ứng ra thị trường.
Mặt khác, để ổn định thị trường, hạn chế sự biến động về giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện, thành phố, thị xã giao kế hoạch, động viên, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi, đơn vị bán hàng thực hiện dự trữ hàng hóa và tham gia chương trình bình ổn thị trường với tổng nguồn hàng hóa dự trữ gần 1.200 tỉ đồng.
Hiện nay, hệ thống cung ứng hàng hóa tập trung chủ yếu ở các kênh bán hàng truyền thống gồm bốn trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 197 chợ truyền thống và trên 20.000 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Ngoài ra, các kênh bán hàng đa phương tiện, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội cũng ngày càng phát triển, tạo nên thị trường mua sắm đa dạng.
Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin: Từ nay tới Tết Nguyên đán, Sở tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính.
P.V