Dự báo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 15 - 20% so với những tháng trước đó, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa.
Để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thực hiện đợt triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra và phát hiện, tạm giữ nhiều hàng hóa, thực phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp với tổng trị hàng trăm triệu đồng. Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng cấm, hàng lậu, hàng giả.
Cục Quản lý thị trường - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tập trung lực lượng, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, xác định 7 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cần bình ổn giá như: Gạo tẻ, dầu ăn, đường kính, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm...
Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để ổn định thị trường, hạn chế sự biến động về giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành, thị giao kế hoạch, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi, đơn vị bán hàng thực hiện dự trữ hàng hóa và tham gia chương trình bình ổn thị trường với tổng tiền vốn dự trữ hàng hóa là 1.197,76 tỉ đồng.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, của các đơn vị, doanh nghiệp có hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Cùng với đó, các đơn vị truyền thông tích cực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
P.V