Phú Thọ: Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

21:02 19/09/2023

Những năm qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ở huyện Tam Nông, việc ứng dụng KHKT đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất như: TBR225, Thiên ưu 8, các giống nếp... Thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Tam Nông đã khuyến khích người dân chuyển đổi các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Cam, chuối tây, bưởi...

Trong chăn nuôi, huyện đã thực hiện có hiệu quả các chương trình cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, làm hầm biogas, đệm lót sinh học. Các mô hình góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là chủ động được nguồn giống có chất lượng cho các hộ chăn nuôi.

Tại huyện Lâm Thao, hàng năm, huyện đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như: Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) phối hợp với ngành chuyên môn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức tập huấn cho người dân về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Trần Ngọc Dũng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lâm Thao cho biết: Trong lĩnh vực trồng trọt, cùng với sử dụng khoảng 70% giống lúa lai, lúa chất lượng cao để gieo cấy, huyện đã thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng phân bón khép kín, đặc biệt là khuyến khích, nhân rộng mô hình dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái; đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, thu hoạch; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất, ủ phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học...

Cũng theo ông Dũng, trong chăn nuôi, các trang trại, gia trại đã áp dụng KHKT như: Đầu tư xây dựng hệ thống chuồng khép kín, ứng dụng hệ thống làm mát chuồng trại; sử dụng máng ăn, uống nước tự động; sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải, nhất là các loại máy móc hiện đại để phối trộn thức ăn với men vi sinh. Nhờ áp dụng KHKT, nhiều trang trại đã giảm được chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế tăng.

Việc ứng dụng KHKT không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa. Các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT được triển khai, nhân rộng đã, đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với diện tích sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Để đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường khảo nghiệm, thử nghiệm các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KHKT đạt hiệu quả kinh tế cao, các mô hình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... đáp ứng yêu cầu của thị trường.

P.V