Thông báo số 256 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp về thị trường bất động sản. Theo đó, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực này trong nền kinh tế, đồng thời chỉ ra những bất cập như thiếu nguồn cung, giá cao, người dân khó tiếp cận nhà ở.
![]() |
Tình trạng các dự án bất động sản chậm triển khai vẫn là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở và phát triển kinh tế. |
Nhằm phát triển thị trường lành mạnh và bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu:
Bộ Xây dựng nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản, bao gồm thông tin giao dịch, giá cả và phân tích cung - cầu.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá đất đến từng thửa, dựa trên vùng giá trị và thửa đất chuẩn, hướng tới áp dụng một mức giá đất thống nhất. Đây sẽ là cơ sở cho việc thực hiện chính sách thuế và ngăn chặn đầu cơ, thổi giá.
Các bộ liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Ngân hàng Nhà nước được giao rà soát các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập để kiến nghị sửa đổi phù hợp, rõ ràng và dễ thực hiện.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, nhất là những trường hợp tương tự đối tượng trong Nghị quyết 170/2025/QH15, nhằm sẵn sàng áp dụng khi phạm vi nghị quyết được mở rộng.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý, nhằm kiểm soát đầu cơ và tạo nguồn dữ liệu phục vụ quản lý, điều tiết thị trường.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương án đánh thuế 20% trên chênh lệch giữa giá mua và giá bán bất động sản. Tuy nhiên, việc triển khai cần có đầy đủ dữ liệu giao dịch và quy định rõ về chi phí được khấu trừ – điều mà hiện nay vẫn chưa đảm bảo.
Tình trạng các dự án bất động sản chậm triển khai vẫn là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở và phát triển kinh tế. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, nhiều dự án vẫn gặp khó khăn về pháp lý, giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn lực để triển khai. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tình trạng dự án "treo" kéo dài đã gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, tính đến quý II/năm 2025, thành phố đang tập trung xử lý: 712 dự án đang triển khai nhưng gặp khó khăn, vướng mắc.117 dự án chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, do UBND cấp huyện đề xuất kiến nghị xử lý. Các dự án này chủ yếu liên quan đến đầu tư công, quản lý đất đai và tài sản công. Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND để tập trung giải quyết trong năm 2025, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.