Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng, đại diện cơ quan lập quy hoạch vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh; Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch giúp “mở đường”, tạo ra động lực, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương. Vì vậy thay vì phát triển dự án riêng lẻ, hãy ưu tiên các dự án liên địa phương để giải bài toán đầu tư dàn trải, không phát huy hiệu quả.
Cũng theo Phó Thủ tướng, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học cho ý kiến đối với bản dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào các nội dung: Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cần phải giải quyết và các khâu đột phá của vùng; Việc phân thành 3 tiểu vùng để thực hiện các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực đã phù hợp hay chưa; Phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt, hàng không và hàng hải; các đề xuất về phát triển các khu chức năng trong vùng với hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu du lịch.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, để hoàn thành quy hoạch vùng phải lấy ý kiến của 28 Bộ ngành Trung ương và các địa phương trong quy hoạch. Nếu quy hoạch không cập nhật quy hoạch tỉnh thì khi quy hoạch vùng được phê duyệt, quy hoạch tỉnh - quy hoạch cấp thấp hơn phải điều chỉnh lại. Lúc đó tỉnh lại quay lại điều chỉnh thì rất mất thời gian.
“Đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật đầy đủ quy hoạch tỉnh đã và đang chờ phê duyệt”, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, theo ông Minh, rất nhiều vấn đề, nội dung cốt lõi của Nghị quyết 26 Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy hoạch sẽ tạo động lực phát triển nếu được định hướng đúng và đủ nhưng ngược lại kìm hãm sự phát triển nếu làm vội vàng. Tuy nhiên, theo ông Thanh, dự thảo quy hoạch này chưa nêu bật được những đột phát để thu hút được các nguồn lực cho vùng. Ví dụ, tại Quảng Nam đã hình thành khu công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và các ngành phụ trợ liên quan nhưng quy hoạch không nêu rõ định hướng phát triển, liên kết thế nào, tính lan tỏa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để tạo được đột phá vùng thì không đề cập rõ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đây là vùng trọng yếu do vậy kinh tế là ưu tiên nhưng vấn đề quốc phòng – an ninh cũng cần được quan tâm. Đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đơn vị tư vấn tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch vùng, tạo sự phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn.
Để làm được điều đó, quy hoạch cần có cách xác định để lựa chọn các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, có thể hỗ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau. Vì vậy, việc xác định các tiểu vùng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng cần xác định thứ tự ưu tiên để quy hoạch lần lượt, ví dụ như ưu tiên các dự án có tính động lực của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối thay vì đầu tư dàn trải như hiện nay.
Trọng Tâm