Phó Thủ tướng nêu loạt giải pháp cho lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng

15:51 08/06/2023

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định trong thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã rất quan tâm, tích cực tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý các vấn đề liên quan tới tài chính - ngân hàng, bất động sản.

Quan ngại vấn đề lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng

Sáng 8/6, trong phiên chất vấn trực tiếp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trả lời về vấn đề sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho biết, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là một định chế đặc biệt, vừa huy động vốn và vừa cho vay, có nghĩa là không phải sử dụng vốn của mình mà sử dụng vốn huy động, là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo những tiêu chuẩn là hết sức nghiêm ngặt, trong đó có việc sở hữu chéo sẽ tác động đến những hành vi thao túng trong hoạt động của ngân hàng và đặc biệt là các hoạt động tín dụng.

Phó Thủ tướng nêu loạt giải pháp cho lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Đối với xử lý sở hữu chéo trong các ngân hàng, Phó Thủ tướng khẳng định trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cũng đã rất quan tâm. Chức năng này là của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý.

Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, hiện nay vẫn còn những khó khăn, bởi vì vốn điều lệ nếu được công khai thì xử lý được ngay, nhưng trong thực tế thì có thể là đứng tên hộ, có thể là nhờ người khác đứng tên…. Vì vậy trong quá trình kiểm tra, đánh giá, nhận định và kết luận những vấn đề này đòi hỏi cũng phải có sự phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật thì mới giải quyết được.

Thứ hai, Phó Thủ tướng cho biết, trong sở hữu chéo không chỉ sở hữu về vốn mà sở hữu về các hoạt động của ngân hàng như đầu tư, tín dụng, ví dụ như dành món tín dụng cho những nhóm lợi ích có sở hữu chéo ngầm thì cũng rất nguy hiểm, sẽ làm méo mó các hoạt động kinh tế, không công khai, minh bạch và sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường chung. Việc này Chính phủ cũng đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên thanh tra, để hạn chế đến mức tối đa đối với sở hữu chéo trong ngành ngân hàng.

Phó Thủ tướng đưa ra giải pháp: Thứ nhất là hoàn thiện về cơ chế, chính sách. “Thảo luận sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng thì các đại biểu Quốc hội đã phát biểu việc này rất nhiều. Tôi đề nghị trong thời gian tới với trí tuệ của đại biểu Quốc hội, đóng góp vào dự án luật này làm sao chúng ta có một căn cứ pháp lý hết sức vững chắc để kiểm soát, quản lý và xử lý những trường hợp sở hữu chéo”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, theo Phó Thủ tướng, phải tăng cường cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát. Cơ quan này phải hoạt động độc lập, phải đủ năng lực và cũng phải triển khai hoạt động thanh tra hết sức hiệu lực, hiệu quả, hết sức trọng tâm, trọng điểm. “Đánh đúng, đánh trúng thì chúng ta xử lý được tình huống. Còn nếu chúng ta thiết kế một mô hình, tổ chức và cán bộ năng lực không đáp ứng yêu cầu thì cũng không thực hiện được”.

Thứ ba, Phó Thủ tướng cho rằng, hệ thống kiểm toán nội bộ phải tự phát hiện ra cho vay lệch chuẩn thì phải xử lý kịp thời trong nội bộ của ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước xem các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ là một cánh tay nối dài của thanh tra Ngân hàng Nhà nước để xử lý.

Cuối cùng, cần phải công khai, minh bạch và nếu phát hiện là xử lý nghiêm, công khai, để các nhà đầu tư, kể cả trong và ngoài nước và Nhân dân có những thông tin để kiểm tra, giám sát, Phó thủ tướng hồi âm đại biểu.

Phó Thủ tướng nêu loạt giải pháp cho lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng
Phó Thủ tướng nêu loạt giải pháp cho lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng.

Giải quyết vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu

Đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới còn nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý hiệu quả vướng mắc, bất cập, nhất là đối với các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.

Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và rà soát, xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp.

Về tăng năng suất lao động xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2022 ở mức 4,8%, không đạt mục tiêu đề ra là khoảng 5,5%. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ khoa học công nghệ trong nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu, chưa theo kịp khu vực, thế giới; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, nhất là nhân lực chất lượng cao. Do đó cần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Khẩn trương hoàn thiện các chính sách, pháp luật; tạo lập khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh doanh mới và các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển khoa học công nghệ.

Chú trọng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật về thuế, tài chính, tín dụng… để triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Rà soát, ưu tiên bố trí nguồn lực và có các giải pháp khả thi thu hút nhân lực chất lượng cao. Phát triển mạnh doanh nghiệp trong nước có tính kết nối cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Linh An