Ngày 24/6/2023, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tại khoản 5 Điều 4 quy định: “…Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…” đã mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Sở Văn hoá và Thể thao TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các Sở ngành, quận huyện đề xuất mức tối thiểu cho dự án. Ngày 19/9/2023, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND về Quy định quy mô đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục- đào tạo, thể thao và văn hóa. Trong đó có quy định, đối với các thiết chế văn hóa, thể thao do Thành phố quản lý phải có quy mô từ 45 tỷ đồng trở lên; đối với các thiết chế văn hóa, thể thao do quận, huyện và thành phố Thủ Đức quản lý phải có quy mô từ 10 tỷ đồng trở lên.
Ngày 08/12/2023, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 181/NQ-HĐND về danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành văn hóa và thể thao có 23 dự án để thực hiện kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo đó, Sở Văn hoá và Thể thao TP. Hồ Chí Minh đã đăng tải thông tin danh mục 23 dự án của Sở dự kiến thực hiện theo phương thức đối tác công tư lên trang thông tin điện tử của Sở. Đồng thời cung cấp danh mục dự án cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) để giới thiệu, mời gọi dự án đầu tư.
Ngày 31/5/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã có Công văn số 1109/ITPC-XTĐT gửi 24 Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước; các hội, hiệp hội ngành nghề Thành phố; các Hội doanh nghiệp quận huyện; các doanh nghiệp trong và ngoài nước về thông tin các dự án mời gọi đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa – thể thao của thành phố năm 2024.
Ngày 25/6/2024, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư quan tâm để giới thiệu, cung cấp thông tin các dự án văn hóa và thể thao của ngành. Qua đó lựa chọn và đề xuất các nhà đầu tư tiềm năng để triển khai các bước quy trình thực hiện dự án theo quy định và làm cơ sở để chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư đạt yêu cầu, hiệu quả.
Ngày 09/7/2024, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 3814/KH-UBND về tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành Văn hóa – Thể thao Thành phố năm 2024. Các dự án thuộc lĩnh vực văn hoá và thể thao nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc tổ chức Hội nghị không chỉ để xúc tiến đầu tư các dự án của ngành văn hoá và thể thao mà còn là dịp để tuyên truyền, quảng bá cho Đề án Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030. Tuy nhiên, dự kiến thời gian tổ chức Hội nghị vẫn là chờ sau khi Thành phố ban hành bộ quy trình, thủ tục đầu tư dự án PPP.
Có thể nói, những hoạt động trên đây là những nỗ lực không ngừng nhằm phát triển cho ngành Văn hóa - Thể thao Thành phố nhưng trong quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15. Theo ông Võ Hồ Hoàng Vũ - Chánh văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư mất nhiều thời gian, quy trình, thủ tục nhiều. Hiện nay, Thành phố đang thực hiện thí điểm theo cơ chế đặc thù nên cần có sự phối hợp của các Sở, ngành liên quan nhất là trong việc thực hiện các bước quy trình, thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định.
Về vấn đề này, trong phiên họp lần thứ 5 của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 ngày 03/8/2024 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cũng đã nhắc lại: “Mô hình PPP (đối tác công tư) cho các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, TP. Hồ Chí Minh đã có danh mục, tổng mức đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện được vấn đề xã hội hóa, thu hút nguồn lực”.
"Rõ ràng, đây đều là những cơ hội để huy động nguồn lực nhưng chúng ta chưa tạo cơ hội để người dân bỏ nguồn lực vào. Chúng ta chưa hình thành cơ chế, chính sách cho vấn đề này. Trước tiên, thành phố cần nhìn nhận, hình thành cơ chế, chính sách và trình HĐND TP. HCM, sau đó tới các dự án. Từ những cơ chế, chính sách rõ ràng, các công ty, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu và xin làm"- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nói.
Cũng theo Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh, các dự án trong danh mục do Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất đều là các dự án quan trọng, có tầm chiến lược cho ngành văn hóa, thể thao Thành phố, không những phục vụ các lễ hội, các chương trình nghệ thuật, các giải đấu cấp thành phố, quốc gia, nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập. Hơn thế nữa, đây là dự án tiêu biểu có kiến trúc hiện đại của Thành phố, tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa trong khu vực và quốc tế.
Đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa và thể thao nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa trong Nhân dân, nâng cao sức khỏe và thành tích thi đấu thể thao trên trường quốc tế.
“Đầu tư cơ sở vật chất cho văn hóa, thể thao không chỉ mang lại lợi ích lâu dài, bền vững về phát huy phẩm chất và giá trị con người Việt Nam mà còn là nguồn thu ngân sách mà hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm chú trọng…” - ông Võ Hồ Hoàng Vũ chia sẻ.
Uyển Nhi