Cải cách thủ tục hành chính là “cứu” doanh nghiệp
Trong những năm qua, Chính phủ đã xác định rõ vai trò của khu vực tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế và không ngừng cải cách chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới giảm chi phí kinh doanh, cắt giảm thời gian và thủ tục cho doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù đã có được những bước tiến dài trong cải cách nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn với hàng loạt thủ tục bủa vây, làm mất đi lợi thế cạnh tranh, bởi vậy Chính phủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ,cho biết, năm 2018 là một bước đột phá quan trọng, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh là những rào cản gia nhập thị trường, tạo ra những lợi ích nhóm, chi phí bất hợp lý; tiết kiệm 6.279 tỷ đồng với 17,5 triệu ngày công… Với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đánh giá hiệu quả của cải cách, đến nay đã có 57/63 địa phương chuyển nhiệm vụ một cửa, một cửa liên thông từ Sở Tư pháp, Sở Nội vụ về Văn phòng UBND cấp tỉnh; 39/63 tỉnh, thành phố có Trung tâm hành chính công, trong đó có nhiều tỉnh làm rất tốt. Năm 2019, CCTTHC là trọng tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Thủ tướng rất quan tâm tới các vấn đề của DNNVV, quan tâm tới ứng dụng KHCN, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0, đặc biệt tập trung quyết liệt cho vấn đề thanh toán điện tử. Chính phủ đã bàn với một số ngân hàng, cơ quan để thay vì mở cổng tại các đơn vị viễn thông thì sẽ mở cổng thanh toán tại ngân hàng nhưng với mức phí lệ phí thấp nhất, an toàn nhất. Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương nhằm kết nối, chia sẻ thông tin trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý, giải quyết thủ tục hành chính; công khai toàn bộ thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử; thiết lập quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng…
TS. Nguyễn Văn Thân – Đại biểu Quốc hội- Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam
“Các doanh nghiệp cần thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động trong việc trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Những vấn đề CCTTHC, trong đó có cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh cho đến nay vẫn còn quá nhiều và ngày càng nhiều lên, không rõ ràng cụ thể và không hợp lý, rất khó tiên liệu trước, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp NVV tỉnh Tuyên Quang: Việc CCHC của các bộ, ngành hiện nay rất chậm với tình trạng “trên thì rải thảm dưới thì rải đinh...” Những điều kiện kinh doanh nhiều, chồng chéo, khi triển khai vào thực tế các doanh nghiệp chịu chi phí rất cao, hạn chế và triệt tiêu sự sáng tạo trong kinh doanh. Hiện nay, có rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; cán bộ, công chức lạm quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho DN còn phổ biến.
“Thực tế cho thấy, những lợi ích cục bộ, sự trì trệ, bảo thủ của các quy định, chính sách đã lỗi thời và của con người chính là các rào cản ảnh hưởng tới nỗ lực CCTTHC và quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng. Bởi vậy, để việc thực hiện cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh được thuận lợi thì cần phải có cơ chế giám sát việc thực thi. Các bộ, ngành khi có đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh thì cũng cần phải kèm theo đó là cơ chế đánh giá giám sát việc thực hiện, để đảm bảo rằng cải cách trên văn bản và thực tế có sự đồng nhất, đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của DN. Đảm bảo đây là sự thay đổi thực chất và DN thực sự là đối tượng được hưởng lợi từ quy định này của Chính phủ”, ông Thập chia sẻ.
Bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Cũng bàn về CCTTHC liên quan đến doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Thời gian qua, Việt Nam đã đạt những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong năm 2018, theo Doing Business, đã cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh; cắt giảm 50 % danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành; nâng cao hiệu quả dịch vụ ngành logistics… Phải thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam đã có những cải cách nhưng tốc độ còn chậm hơn so với các quốc gia khác. Hầu hết các chỉ số thành phần mà Việt Nam đặt mục tiêu cải cách chưa đạt trung bình ASEAN 4. Đơn cử như đối với chỉ số khởi sự kinh doanh - chỉ số được đánh giá là có sự cải thiện liên tiếp đáng kể nhất của Việt Nam trong thời gian qua, thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước. Hiện nay, chỉ số này của Việt Nam vẫn nằm ở vị trí 104 (vươn lên 19 bậc so với năm 2017). Có nghĩa, chúng ta đang ở vị trí rất thấp trong Doing Business. Sự kết hợp các bước thủ tục liên quan tới thuế, bảo hiểm xã hội còn rất chậm, khiến chỉ số này tuy có cải thiện nhưng chưa tiến được nhanh. Hay như cải cách về điều kiện kinh doanh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết chưa được cắt giảm.
“Cải thiện môi trường kinh doanh là một quá trình lâu dài và có nhiều thách thức, đòi hỏi cam kết chính trị mạnh mẽ với các nỗ lực thực hiện từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, chia sẻ của các đối tác phát triển. Có thể nói rằng, doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều ở Chính phủ, và Chính phủ cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đi trên đôi chân của chính mình, trên cơ sở đổi mới sáng tạo, chứ không phải bằng con đường thân hữu, quen biết, quan hệ...”, bà Thảo đánh giá.
Thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV còn vướng mắc
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, DNNVV được xác định là động lực tăng trưởng, là “xương sống” của nền kinh tế. Ở Việt Nam, DNNVV hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN. Trong bối cảnh việc thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV bị rời rạc, manh mún và dàn trải, nhiều nội dung còn chồng chéo hoặc chưa thống nhất với nhau khiến cho các DNNVV rất khó tiếp cận, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.
Ảnh toàn cảnh hội nghị
Luật Hỗ trợ DNNVV cùng các văn bản hướng dẫn thi hành sau một năm thực hiện đã bước đầu đem lại sức sống mới cho khu vực DNNVV, góp phần mạnh mẽ và tích cực vào phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên thực tiễn triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết...
TS. Nguyễn Văn Thân – Đại biểu Quốc hội- Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết: Luật Hỗ trợ DNNVV đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Các chính sách tại Luật được quy định theo phương thức đổi mới hơn so trước đây. Chính sách hỗ trợ chung, cơ bản như: thông tin, đào tạo, tư vấn, mặt bằng sản xuất được thiết kế theo hướng là các dịch vụ công Nhà nước cung cấp cho DN… Các chính sách hỗ trợ trọng tâm tập trung cho 3 nhóm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và nhóm các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… Kể từ ngày Luật có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã kịp thời ban hành các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành, đến thời hiện nay chúng ta đã có một ''công cụ pháp lý'' tương đối đầy đủ để triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn tồn tại, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng DNNVV.
Từ thực tiễn thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV, các doanh nghiệp hội viên và hiệp hội doanh nghiệp thành viên đánh giá: Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống đã bước đầu khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn để khu vực DNNVV phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp DNNVV còn chậm; nội dung nhiều chương trình trợ giúp DNNVV còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa gắn kết với nhau, làm cho các DNNVV chưa tiếp cận hay nhận được sự hỗ trợ một cách thuận lợi; cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ DNNVV giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa hiệu quả. Hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV từ Trung ương đến địa phương chưa được hình thành đầy đủ, nhất quán. Cơ chế báo cáo, công khai minh bạch thông tin, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ… Những hạn chế nêu trên đã làm cho những chính sách và chương trình hỗ trợ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ phát triển của cộng đồng DNNVV. Trong khi đó, các DNNVV rất cần sự hỗ trợ để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tích cực vào việc tạo ra việc làm và thu nhập, đóng góp vào quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tạo ra một nền kinh tế năng động và hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Qua các báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy một số kết quả đạt được, đó là: Luật có 4 Nghị định hướng dẫn thi hành thì có 3 Nghị định Chính phủ ký vào tháng 3/2018 (Nghị định 34, 38, 39); còn 1 Dự thảo Nghị định về Quỹ phát triển DNNVV đang được tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ. Hiện có 23 địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV. Một số tỉnh đã chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai ngay trong năm 2018 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều bộ, ngành và địa phương còn lúng túng trong xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV. Theo đó, mới có khoảng 20 địa phương phê duyệt đề án, kế hoạch, chỉ có một số địa phương bố trí được ngân sách để thực hiện. Các bộ chưa xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV trong phạm vi lĩnh vực ngành quản lý.
“Trong quá trình triển khai Luật còn tồn tại một vài khó khăn như một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, mặt bằng sản xuất…đã được quy định tại Luật nhưng chưa thể áp dụng ngay trên thực tế vì cần phải được quy định, hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan về thuế, tín dụng và đất đai; chính sách hỗ trợ cho DN siêu nhỏ về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán chưa được cụ thể hóa và triển khai trên thực tế. Trong khi đó, theo phản ánh của địa phương và báo cáo đánh giá của ADB, rào cản lớn nhất hiện nay khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển sang doanh nghiệp là chính sách thuế và chế độ thuế, kế toán, thanh kiểm tra”, ông Cương nhận xét.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV)
Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV):Cộng đồng DNNVV có vai trò lớn đối với nền kinh tế, DNNVV của Việt Nam đóng góp khoảng 45% GDP, 33% thu ngân sách. Quỹ Phát triển DNNVV đã cho 19 DNNVV vay 145 tỷ đồng qua 4 ngân hàng thương mại. Theo Luật Hỗ trợ DNNVV, Quỹ đang chuyển sang mô hình hoạt động mới, theo đó đối tượng hỗ trợ hẹp hơn cùng nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Chính phủ đã ban hành và thực thi một số chính sách liên quan đến nguồn vốn bảo lãnh, tín dụng dành riêng cho DNNVV. DNNVV có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước…
“Nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, trước hết chính là việc thiếu thông tin. Cả về phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý, phía ngân hàng đều thiếu thông tin. Thông tin minh bạch chính là điều kiện vô cùng quan trọng để có thể giải quyết vấn đề này. Tiếp theo là các chương trình của Chính phủ chưa được phát triển tốt, chương trình Luật Bảo lãnh, chương trình về Quỹ hỗ trợ DNNVV thiếu các dịch vụ đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp như: đào tạo, tư vấn, thông tin… Mặt khác, một số tổ chức tín dụng chưa thực sự “mặn mà” đối với cho vay doanh nghiệp tư nhân (một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao)”,
Có thể nói, Luật Hỗ trợ DNNVV thể hiện rõ ý nghĩa và chủ trương hỗ trợ DNNVV một cách thiết thực, thực chất và phù hợp yêu cầu phát triển DN, phát triển kinh tế của Chính phủ. Mục tiêu tổng quát của Luật là hỗ trợ DN kịp thời từ lúc tham gia đến lúc rút khỏi thị trường. Do vậy, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương để Luật gấp rút đi vào cuộc sống và thể hiện được hiệu quả, hiệu lực.
Bà Mai Thị Thùy – Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội:
Hội chúng tôi dày công mới kiến nghị đưa được vào Luật Hỗ trợ DNNVV 2 điều, đó là Điều 3 và Điều 5. Cụ thể, trong Điều 3 có khái niệm DNNVV do nữ làm chủ và Điều 5 là ưu tiên hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ. Nhưng thực tế, DNNVV do nữ làm chủ về cơ bản vẫn chưa được hưởng những ưu đãi mà Luật đưa ra trong việc tiếp cận vốn và nếu DNNVV được vay vốn thì cũng thường phải chịu lãi suất cao và các điều kiện khác một cách khó khăn, chặt chẽ. Quỹ Hỗ trợ DNNVV đã có và đã khởi động, Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng đã hướng dẫn các đơn vị thành viên làm hồ sơ vay vốn từ quỹ này nhưng đến nay vẫn chưa vay được vốn. Tôi đề nghị có Quỹ rồi thì phải minh bạch, công khai để các DN được tham gia sử dụng Quỹ phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ông Võ Việt Dũng - Công ty Nam Hà Nội
Thực tế DN vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ theo những quy định mà Chính phủ ban hành. DN vẫn phải tự lực, tự tìm nguồn hỗ trợ khác theo nhu cầu phát triển của mình. Luật Hỗ trợ DNNVV cần quy định rõ hơn để các cấp, các ngành coi việc hỗ trợ DNNVV để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài là một nhiệm vụ quan trọng chứ không phải là chuyện hô hào, nói cho có hoặc thậm chí tận thu là chủ yếu chứ không phải là hỗ trợ… Tiếp cận đất đai là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn, chúng tôi đang làm dự án 1.000 tỷ đồng đầu tư nhà máy chế biến khép kín thân thiện với môi trường ở địa bàn huyện Thường Tín nhưng gặp phải rất nhiều khó khăn, phiền hà từ cán bộ huyện trong giải quyết thủ tục…
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex:
Chính sách thuế hiện nay đang bức tử doanh nghiệp. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư với mức ưu đãi cụ thể, nhưng khi cơ quan thuế vào kiểm tra lại từ chối áp dụng những ưu đãi này, thậm chí còn yêu cầu doanh nghiệp nộp số thuế bổ sung, lãi chậm nộp và phạt do kê khai sai thuế. Có một thực tế là khi cơ quan thuế làm sai, cán bộ thuế thiếu trách nhiệm gây ra tổn thất cho doanh nghiệp nhưng lại không bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.
Thu Giang - Anh Thư
Ảnh Đức Tuất