Chiều 21/7, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và giới thiệu chương trình học bổng INTENSE Đài Loan”. Sự kiện quy tụ các chuyên gia để thảo luận về giải pháp, trong đó mô hình hợp tác “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp) được nhấn mạnh là hướng đi cốt lõi.
Chia sẻ về mô hình hợp tác “ba nhà” trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, bà Đàm Thị Hồng Lan - Giám đốc Công ty Công nghệ Vietbay, nhà phân phối ủy quyền của Công ty Siemens EDA - cho rằng, thực tế mô hình hợp tác này không chỉ giới hạn ở “ba nhà”, mà tùy thuộc vào từng dự án hoặc nhiệm vụ cụ thể. Có thể có thêm nhiều bên tham gia, thậm chí là bốn, năm, hay “sáu nhà”.
Mỗi bên đảm nhận vai trò, trách nhiệm và hưởng quyền lợi riêng, nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu chung. Trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, vai trò của Nhà nước rất rõ ràng. Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển quốc gia, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư và hỗ trợ tài chính.
![]() |
Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và giới thiệu chương trình học bổng INTENSE Đài Loan”. Ảnh: Hà Anh |
Về phía nhà trường, bao gồm các trường đại học, cao đẳng và trong tương lai có thể là các trường phổ thông sẽ tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Các trường cung cấp đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên, đồng thời là những người thụ hưởng chính sách và chương trình đầu tư từ Nhà nước. Qua đó, các trường đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn và xã hội nói chung.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp đóng vai trò xác định nhu cầu thị trường lao động, đảm bảo năng lực nhân sự phù hợp và hiệu quả. Đồng thời, doanh nghiệp cung cấp công nghệ, phần cứng, phần mềm, dịch vụ liên quan và là đơn vị trực tiếp sử dụng các sản phẩm nhân lực từ mô hình hợp tác này. Tất cả các bên tham gia đều tận dụng thế mạnh của mình để tạo ra nhân lực và sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời đạt được lợi ích hài hòa.
Nhà nước xây dựng hệ sinh thái, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nhân tài. Nhà trường tiếp cận thực tiễn, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, tạo môi trường thực hành và nhận hỗ trợ công nghệ, tài chính. Doanh nghiệp lan tỏa công nghệ, phát triển thương hiệu, tuyển dụng nhân lực phù hợp và thực hiện trách nhiệm xã hội.
“Ngành công nghiệp bán dẫn có đặc thù là vừa mới mẻ tại Việt Nam, nhưng lại yêu cầu phát triển nhanh chóng với nguồn lực đầu tư lớn, đặc biệt về con người, công nghệ và tài chính. Khoảng cách giữa nhu cầu nhân lực và nguồn lực sẵn có đang ngày càng lớn. Mô hình hợp tác “ba nhà” chính là giải pháp để tận dụng thế mạnh của từng bên, bù đắp sự thiếu hụt, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn”, bà Lan nói.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ bế giảng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch, hợp tác với các doanh nghiệp. Đồng thời, giới thiệu chương trình học bổng INTENSE của Đài Loan (Trung Quốc) - một sáng kiến nhằm thu hút nhân tài quốc tế đến học tập và làm việc trong lĩnh vực bán dẫn.
Học bổng INTENSE là sáng kiến học thuật trọng điểm của Đài Loan (Trung Quốc) nhằm thu hút học sinh, sinh viên quốc tế tài năng đến học tập và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) trong các lĩnh vực trọng điểm bao gồm: STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), tài chính, bán dẫn.
Theo ông Võ Đức Thắng - đại diện chương trình học bổng INTENSE, đây là chương trình không chỉ hỗ trợ toàn bộ học phí và sinh hoạt phí mà còn tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập và làm việc trực tiếp tại các tập đoàn bán dẫn hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) như TSMC, UMC, MediaTek, ASE… Các ứng viên được lựa chọn sẽ theo học các chương trình chuyên sâu về thiết kế chip analog/digital, SoC, IC layout, packaging, MEMS và các công nghệ vi điện tử tiên tiến khác.
Sinh viên cũng sẽ có cơ hội học tập và nghiên cứu trong các phòng lab tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời nhận được sự cố vấn từ đội ngũ giáo sư hàng đầu và các chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm đến từ Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI) cùng các doanh nghiệp chủ chốt trong chuỗi cung ứng bán dẫn của Đài Loan.
Bắt đầu từ năm 2024, chương trình Học bổng INTENSE ưu tiên tuyển sinh viên đến từ Việt Nam, Indonesia và Philippines, khẳng định cam kết tăng cường hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực.
Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc NIC - chia sẻ, trong thời gian qua, NIC đã tích cực kết nối với các doanh nghiệp, trường đại học và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là từ Đài Loan, để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Chương trình học bổng INTENSE là minh chứng sống động cho hiệu quả của hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực.
Từ việc xác định mô hình hợp tác “ba nhà” làm nền tảng, triển khai các khóa đào tạo thực tiễn trong nước, đến việc mở rộng kết nối quốc tế qua các chương trình học bổng giá trị, Việt Nam đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái toàn diện và bền vững, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.