Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 12/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đánh giá việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu..., để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
Tại tờ trình, Chính phủ đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai đầu tư các dự án. Theo Ủy ban Kinh tế, việc có cơ chế, chính sách đặc biệt phù hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống chính sách pháp luật về xây dựng, đầu tư, kinh doanh được ban hành cơ bản đã đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai dự án, đồng thời cần tránh áp dụng quá nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, ảnh hưởng đến tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và tính tuân thủ các quy định pháp luật.
Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan ngại về đề xuất cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3, bởi như vậy sẽ tăng tính rủi ro cho ngân sách.
Do đó, đề nghị Chính phủ cần lưu ý các cơ chế, chính sách đặc biệt cần gắn với đặc điểm riêng của từng dự án, tránh sao chép các cơ chế, chính sách đã áp dụng đối với khác dự án khác, biến cơ chế, chính sách đặc biệt thành phổ biến, làm ảnh hưởng đến tính thống nhất và giá trị, hiệu lực áp dụng chung của pháp luật.
PV